Những điểm nhấn đáng ghi nhận GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ

Anh Tú - Hồ Phúc | 18/04/2023, 10:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp khoảng 45% GDP...

Nhờ định hướng chiến lược đúng đắn, giáo dục khu vực Đông Nam Bộ đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Trong khuôn khổ Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, lãnh đạo một số sở GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đã chia sẻ những điểm nhấn của địa phương trong chiến lược phát triển 2011 - 2021.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM): Xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù

Những điểm nhấn đáng ghi nhận GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Hiếu.

TPHCM trong giai đoạn 2011 - 2021 đảm bảo tổng chi ngân sách địa phương từ 25 - 28% để thúc đẩy các hoạt động chăm lo cho giáo viên, học sinh, đáp ứng điều kiện học tập trong bối cảnh hội nhập.

Giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách TP bố trí cho giáo dục là trên 54.000 tỷ đồng; giai đoạn 2019 - 2023, con số trên tăng lên 174.000 tỷ đồng. Nếu như năm 2011, mạng lưới trường lớp bậc mầm non cho đến THPT chỉ ở mức 1.600 trường thì sau 10 năm quy mô trường lớp của TP đã tăng lên 2.310 trường với hơn 49.000 phòng học, 77.000 giáo viên; chất lượng giáo dục tăng lên hàng năm. TP đã đạt 294 phòng/10.000 dân so với mục tiêu đặt ra là 300 phòng/10.000 dân vào năm 2025.

Dù chịu nhiều áp lực về gia tăng dân số với quy mô khoảng 200.000 dân/năm và 40.000 học sinh/năm, nhưng bằng các chính sách hỗ trợ rất lớn dành cho giáo dục của TP giai đoạn 2011 - 2021, ngành Giáo dục đã đạt nhiều dấu ấn. TP đạt phổ cập giáo dục các cấp từ rất sớm, chất lượng giáo dục phổ thông tăng nhanh cùng đội ngũ ngày một đảm bảo về chất lượng.

TPHCM đã ban hành các quyết định, nghị quyết thực hiện một số chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành như: Chính sách trợ cấp đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại 41 xã vùng sâu; trả lương làm thêm giờ cho giáo viên mầm non công lập; chính sách thu hút giáo viên mầm non trên địa bàn TP; trợ cấp giảng dạy đối với giáo viên dạy hòa nhập cho người khuyết tật; chi phí đi lại cho giáo viên, viên chức từ nơi khác đến xã đảo Thạnh An công tác… Những chính sách này đã tháo gỡ cho TP rất nhiều khó khăn trong việc duy trì các trọng số về quy mô nhà giáo, chất lượng giáo dục…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu (Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu): Hướng đến học thật - dạy thật

Những điểm nhấn đáng ghi nhận GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong hai tỉnh có chất lượng tăng trưởng giáo dục nhanh và bền vững trong khu vực Đông Nam Bộ. Nếu như năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh chỉ có 114/373 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 30,56%, thì năm học 2021 - 2022 có 281/454 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 61,89%.

Chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc THCS đạt 45,05%; THPT 53,33%. Chất lượng giáo dục toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển đồng bộ trong từng giai đoạn. Có được kết quả này xuất phát từ các chính sách chăm lo học sinh, bám sát thực tiễn giáo dục địa phương và quyết tâm xây dựng chất lượng giáo dục thực chất của lãnh đạo tỉnh.

Tỉnh quan tâm rà soát chất lượng đào tạo, năng lực học tập học sinh các cấp học sau từng năm học để có kế hoạch bổ sung kiến thức trong hè, đổi mới hoạt động thi cử, đánh giá đầu cấp bậc THCS và THPT. Tỉnh đồng thời dồn mọi nguồn lực có thể để chăm lo, nâng chuẩn cho đội ngũ nhà giáo bằng các chính sách hỗ trợ đặc biệt (hỗ trợ kinh phí học, tiền ăn trưa), qua đó tạo động lực đổi mới trong ngành.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, tổng chi ngân sách của địa phương cho giáo dục là 37.000 tỷ đồng. Trong đó chi thường xuyên cho giáo dục là 27.000 tỷ đồng, chi đầu tư cho giáo dục là hơn 10.000 tỷ đồng. Các nguồn chi này được hiện thực hóa bằng chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên như: Giảm 50% tiền bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên các cấp trong địa bàn; Thực hiện chế độ hỗ trợ cho giáo viên tham gia trực buổi trưa tại các trường mầm non công lập có tổ chức lớp bán trú học 2 buổi/ngày.

Đặc biệt, mới đây HĐND tỉnh thông qua nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm 2024 với mầm non và 2025 với THCS, hay chi hỗ trợ cho giáo viên… Các chính sách trên đã và đang tạo ra sự đồng thuận rất lớn trong phụ huynh và xã hội, cũng như khích lệ tinh thần yêu nghề, yêu trẻ và gắn bó với nghề, trường của nhà giáo.

Những điểm nhấn đáng ghi nhận GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ ảnh 3

Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TPHCM).

Ngoài chính sách hỗ trợ người học, giáo viên mang tính bền vững, UBND tỉnh và ngành Giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đủ điều kiện để dạy 2 buổi/ngày. Từ năm 2012, điều kiện phục vụ cho giảng dạy, học tập bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... không ngừng được nâng cấp, bổ sung.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 1.500 phòng học chức năng như phòng học bộ môn, phòng nghệ thuật, công nghệ, tin học, thể dục, thể thao... được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh, qua đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Cơ hội và triển vọng phát triển giáo dục của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong bối cảnh mới là rất lớn, với nhiều lợi thế. Vì vậy, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82% năm 2025, trong đó số lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 35 - 40%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 87% (số có bằng cấp chứng chỉ đạt 40 - 45%), qua đó thúc đẩy phát triển đồng bộ kinh tế - giáo dục của tỉnh.

Ông Lý Thành Tâm (Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước): Chăm lo học sinh dân tộc gắn với phát triển nguồn nhân lực địa phương

Những điểm nhấn đáng ghi nhận GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ ảnh 4

Ông Lý Thành Tâm.

Bình Phước là tỉnh miền núi ở vùng Đông Nam Bộ. Trong số 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, có ba huyện với 15 xã tiếp giáp Campuchia.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 58 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 25 thôn đặc biệt khó khăn, do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư.

Từ năm 2016 đến nay, Bình Phước đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, hệ thống các trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển, mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ, học sinh, sinh viên tại trường ở khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được các ngành, địa phương phối hợp tham mưu triển khai đầy đủ theo đúng quy định.

Trong đào tạo mũi nhọn, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, đây được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tiền đề để con em đồng bào bước vào học nghề và quay về địa phương phục vụ.

Hiện, hệ thống trường dân tộc nội trú của tỉnh bao gồm 7 trường (4 trường THCS, 1 trường THPT và 2 trường THCS và THPT) phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, qua đó góp phần thúc đẩy đào tạo và nâng cao trình độ cho học sinh dân tộc. Đa số đơn vị được đầu tư xây dựng mới, đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, ký túc xá cho học sinh. Việc thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, đặc biệt là chế độ cho học sinh và người thuộc dân tộc thiểu số đã giúp các mục tiêu và chính sách phát triển giáo dục thấm sâu vào cuộc sống.

Ngoài chính sách chăm lo cho học sinh, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục cũng rất lớn. Năm 2011, tổng chi ngân sách cho giáo dục của Bình Phước là 1.010,5 tỷ đồng; đến năm 2021, tổng chi ngân sách cho giáo dục đạt 3.303,193 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 734,959 tỷ đồng, chi thường xuyên là 2.568,234 tỷ đồng. Đầu tư công giai đoạn 2011 - 2022 có tổng số vốn là 3.118 tỷ 751 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 130 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) là 11 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh trên 2.977 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phong (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương): Chú trọng phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất

Những điểm nhấn đáng ghi nhận GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ ảnh 5

Ông Nguyễn Văn Phong.

Giai đoạn 2011 - 2022, quy mô mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng. Đến năm 2022 hệ thống trường, lớp các cấp học ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương đã đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em nhân dân.

Cụ thể 100% đơn vị cấp xã có trường mầm non, tiểu học; 80,21% đơn vị cấp xã có trường cấp THCS; 100% đơn vị cấp huyện có trường THPT; 77,77% đơn vị cấp huyện có trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trung giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tất cả trường học, trung tâm các cấp là công trình kiên cố.

Năm học 2021 - 2022, tỉnh Bình Dương có 728 trường học, trung tâm của cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, tăng 321 trường học, trung tâm so với năm học 2010 - 2011. Về lớp học, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 14.376 lớp học các cấp với 497.180 học sinh.

Bình Dương là tỉnh có kinh tế phát triển với nhiều khu công nghiệp, kéo theo dân số cơ học bình quân hàng năm tăng cao. Do vậy, khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành là đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị giáo dục và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức ngành GD-ĐT.

Trong những năm qua, ngành đã tham mưu tỉnh xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình nhằm phát triển mạng lưới trường lớp hợp lý; đầu tư trang thiết bị hiện đại, phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.

Đặc biệt, ngành Giáo dục Bình Dương đã tạo điều kiện cho giáo viên các cấp học được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay; đa dạng hình thức dạy - học (trực tiếp, qua truyền hình, online…); thiết kế bài giảng E-Learning, thiết bị dạy học số. Tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị nhà trường; tăng tính chủ động về việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục, linh hoạt, phù hợp với điều kiện các cơ sở giáo dục.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, hàng năm, ngành GD-ĐT Bình Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép hợp đồng ngắn hạn trong năm học đối với số giáo viên còn thiếu; phân công giáo viên dạy tăng tiết, chỉ đạo cơ sở GD kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp; thực hiện thỉnh giảng giáo viên ở đơn vị khác...

Bên cạnh đó, sở GD&ĐT đang hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm định hướng xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ của ngành GD-ĐT trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điểm nhấn đáng ghi nhận GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ