Giáo dục

Những đứa trẻ mồ côi sau cơn bão dữ

19/09/2024 18:01

Cơn bão số 3 càn quét qua huyện vùng cao Nguyên Bình đã đẩy nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh ly tán, nhiều đứa trẻ bơ vơ khi mất người thân.

Trở thành trẻ mồ côi sau cơn bão dữ

Ngồi thẫn thờ bên hiên nhà trống vắng ở tổ 1, thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, bà Lê Thị Băng (65 tuổi) ngấn lệ như muốn khóc khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh hiện tại của hai cháu ngoại Nguyễn Thị Diệu Châu (15 tuổi) và cháu Nguyễn Quỳnh Anh (6 tuổi).

Giọng chùng xuống, bà kể về cuộc nói chuyện cuối cùng với con gái là chị Trương Thị Mai Ân, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Tĩnh Túc: “Lúc đấy khoảng 22h đêm 9 tháng 9, chờ mãi không thấy con gái đi dạy về, tôi sốt ruột gọi cho con thì con bảo đang bị sạt lở. Lúc đấy con có dặn tôi: Mẹ và các cháu cứ đi ngủ trước, con hiện tại đang không đi được, quay lại cũng không xong”.

Bà cũng không ngờ đấy là cuộc nói chuyện cuối cùng với con gái, chị Ân đã ra đi mãi mãi do sạt lở đất ở Ca Thành.

Mẹ mất đi để lại hai cháu bơ vơ, cháu đầu 15 tuổi nhưng phải học hoà nhập do căn bệnh bại não, cháu thứ hai 6 tuổi thì bị chuẩn đoán bị hẹp lồng ngực. Mẹ các cháu lúc còn sống là trụ cột gia đình do bố cháu không có việc làm ổn định.

“Không biết tương lai hai cháu rồi sẽ ra sao khi tôi ở cái tuổi “gần đất, xa trời", các cháu lại mang bệnh tật", bà Băng nghẹn ngào.

z5845963279619_4d8fe33cbed1c9eb93d751edc416d92a.jpg
Mẹ mất, hai em Nguyễn Thị Diệu Châu (15 tuổi) và cháu Nguyễn Quỳnh Anh (6 tuổi) phải ở với bà ngoại

Trong cơn lũ dữ và sạt lở đất, nhiều đứa trẻ bỗng chốc mồ côi cha, mẹ, cuộc sống sau này thiếu vắng người thân. Em Triệu Kim Hùng, học lớp 3 tuổi trường Mầm non Ca Thành là một trong những hoàn cảnh như thế.

Bà Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Mầm non Ca Thành, huyện Nguyên Bình chia sẻ: Hoàn cảnh của em Hùng khá đáng thương, nhà bị sạt lở vùi lấp, mẹ mất. Sau em Hùng còn một em trai 2 tuổi. Hiện 3 bố con ở với nhau nhưng tất cả tài sản đã vùi dưới đất đá nên giờ lo cái ăn, cái mặc cho các cháu đã hết sức khó khăn”.

“Cơn bão dữ đã cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh vô tội ở các trường như: trường Mầm non Yên Lạc, Mầm non Vũ Nông, Tiểu học Ca Thành, TH&THCS Yên Lạc… Những ước mơ non nớt của các em mãi mãi không bao giờ thực hiện được, nó đã bị vùi sâu dưới lớp đất đá hoặc trôi theo dòng nước lũ”… Bà Nông Thị Gióng, Hiệu trưởng trường Mầm non Tĩnh Túc đượm buồn.

Cần lắm sự sẻ chia của toàn xã hội

Bà Vi Thị Hương, trưởng phòng GD&DT huyện Nguyên Bình cho biết: Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục của huyện, nhiều trường, điểm đường bị sạt lở và đất đá vùi lấp. Hiện vẫn còn một số phòng học không thể sử dụng do nguy cơ sạt lở cao.

Và đau xót hơn, cơn bão số 3 đã cướp đi sinh mạng của 6 em học sinh và 2 thầy cô giáo. Nhiều em bị mất bố, mẹ, người thân của mình.

Ngay sau khi cơn bão đi qua, bên cạnh việc chỉ đạo đôn đốc các nhà trường vệ sinh, dọn dẹp trường lớp, Phòng GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường rà soát toàn bộ số lượng học sinh tại các trường bị thiệt hại do lũ gây ra. Từ đó, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quyên góp, hỗ trợ … cho các em.

Đồng thời phát động quyên góp trong toàn ngành giáo dục để hỗ trợ cho các thầy cô giáo, các em học sinh bị thiệt mạng 5 triệu đồng. Đối với các em bị mất bố, mẹ thì hỗ trợ 2 triệu đồng.

z5845836422810_7c1399f85fb2cbb340842619b5bfbdb6.jpg
Lãnh đạo phòng GD&ĐT thăm gia đình em Triệu Chí Cường, trường Mầm non Vũ Nông bị thiệt mạng do sạt lở đất

Đến thời điểm hiện tại, đã có 3 cháu được các cơ quan, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu và nuôi các cháu đến lúc 18 tuổi với mức hỗ trợ 2-3 triệu đồng/em/tháng.

"Hiện, vẫn còn nhiều em vẫn rất khó khăn do mất người thân. Về lâu dài, ngành giáo dục huyện Nguyên Bình mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các doanh nghiệp nhà hảo tâm để các cháu có điều kiện được ăn học đầy đủ”, bà Vi Thị Hương, trưởng phòng GD&DT huyện Nguyên Bình chia sẻ thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những đứa trẻ mồ côi sau cơn bão dữ