Kinh tế - Xã hội

Những loại thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân và cách tính chi tiết

09/07/2025 23:26

Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân dựa trên tỷ lệ doanh thu còn người làm công tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần với thu nhập tính thuế. 10 loại thu nhập phải nộp thuế.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đã được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh và người làm công có sự khác biệt.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh

Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ doanh thu với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thuế suất được xác định như sau:

Danh mục ngành nghềThuế suất (%)
Lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa0,5
Lĩnh vực dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu2
Hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp5
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu1,5
Hoạt động kinh doanh khác1

Tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với cá nhân kinh doanh = doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân.

Riêng người kinh doanh nếu có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch dưới 100 triệu đồng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A kinh doanh đồ điện tử, có doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân tháng 6/2025 là 40 triệu đồng. Lĩnh vực kinh doanh của anh thuộc nhóm phân phối, cung cấp hàng hóa nên thuế suất thu nhập cá nhân được tính là 0,5%.

Số tiền thuế thu nhập cá nhân anh A phải nộp được tính như sau:

Số tiền thuế phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ thuế = 40 triệu đồng x 0,5% = 200.000 (đồng).

Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân làm công ăn lương

Thuế thu nhập cá nhân của cá nhân làm công ăn lương được tính dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất lũy tiến từng phần.

Theo quy định hiện hành, có 2 loại thu nhập từ tiền lương, tiền công phải đóng thuế, gồm: thu nhập vãng lai (lao động ký hợp đồng dưới 2 tháng và các hợp đồng thời vụ, các khoản hoa hồng, chiết khấu…); thu nhập thường xuyên (lương, thưởng, các khoản phụ cấp… với lao động ký hợp đồng từ 2 tháng trở lên).

Với khoản thu nhập vãng lai, nếu khoản thu trên 2 triệu đồng hoặc tổng các lần chi trả trong tháng lớn hơn 2 triệu đồng, tiền thuế là mức khấu trừ 10%. Còn với các khoản thu nhập dưới 2 triệu đồng thì không phải khấu trừ.

Với khoản thu nhập thường xuyên, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định, tiền trợ cấp và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo…).

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng. Ngoài ra, nếu có người phụ thuộc, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương gồm 7 bậc, với các mức thuế suất từ 5% đến 35%.

Thuế suất lũy tiến từng phần được xác định như sau:

Bậc thuếPhần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)Thuế suất (%)
1Đến 60Đến 55
2Trên 60 đến 120Trên 5 đến 1010
3Trên 120 đến 216Trên 10 đến 1815
4Trên 216 đến 384Trên 18 đến 3220
5Trên 384 đến 624Trên 32 đến 5225
6Trên 624 đến 960Trên 52 đến 8030
7Trên 960Trên 8035

Như vậy, tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với người làm công ăn lương là tổng số thuế tính theo từng bậc.

Số thuế tính theo từng bậc thu nhập = Thu nhập tính thuế của bậc thu nhập x Thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó

Ví dụ: Chị Nguyễn Thị A có thu nhập từ tiền lương, tiền công tháng 6/2025 là 30 triệu đồng với mức đóng bảo hiểm hàng tháng là 3,15 triệu đồng (trong cơ cấu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động sẽ đóng 10,5% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội). Chị A độc thân, không đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và không có khoản trợ cấp và phụ cấp nào thuộc trường hợp được miễn trừ.

Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của chị A được xác định như sau:

- Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân là 30 triệu đồng

- Giảm trừ gia cảnh bản thân theo quy định hiện hành là 11 triệu đồng

- Số tiền đóng bảo hiểm hàng tháng là 3,15 triệu đồng

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân - Các khoản giảm trừ gia cảnh - Các khoản đóng bảo hiểm hàng tháng = 30 triệu đồng - 11 triệu đồng - 3,15 triệu đồng = 15,85 triệu đồng.

Số tiền thuế thu nhập cá nhân chị A phải nộp = 5 triệu đồng x 5% + 5 triệu đồng x 10% + 5,85 triệu đồng x 15% = 1,6275 (triệu đồng).

10 loại thu nhập phải nộp thuế

Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm:

- Thu nhập từ kinh doanh

- Thu nhập từ tiền lương, tiền công

- Thu nhập từ đầu tư vốn

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn

- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

- Thu nhập từ trúng thưởng

- Thu nhập từ bản quyền

- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại

- Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-loai-thu-nhap-phai-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-va-cach-tinh-chi-tiet-20250709013549511.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-loai-thu-nhap-phai-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-va-cach-tinh-chi-tiet-20250709013549511.htm
Bài liên quan
Hàng hóa thuộc diện giảm thuế VAT còn 8% phải khai báo theo mã riêng
Từ ngày 1/7/2025, hàng giảm thuế VAT còn 8% cần khai báo mã riêng trên hệ thống hải quan điện tử theo quy định mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những loại thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân và cách tính chi tiết