Cô Trịnh Thị Gấm – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) cho hay, trong chương trình trải nghiệm thực tế, định hướng nghề nghiệp, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham quan làng nghề nước mắm Nam Ô. “Qua các buổi trải nghiệm, các em có thêm kiến thức, tầm nhìn bao quát về nghề truyền thống của thế hệ đi trước. Đó là những nét văn hóa đặc trưng cần gìn giữ và kết nối”, cô Gấm nhấn mạnh.
Những tiết học thực tế cùng với “giáo viên” là nghệ nhân, ngư dân hay nông dân sẽ giúp học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát triển bền vững nghề truyền thống. |
TS Chu Mạnh Trinh - thành viên Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhận thấy việc học ở “bục giảng mở” đem lại nhiều bài học bổ ích, thiết thực với học sinh. Vì thế, ông đã khởi xướng mô hình học tập dựa vào cộng đồng.
Theo ông Trinh, được kết nối, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm thực tế… đặc biệt là được các nghệ nhân cầm tay chỉ việc thì những tiết học thú vị, có sức cuốn hút. Bên cạnh đó còn giúp các em rèn luyện thể lực và có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường hơn.
Cùng với hoạt động trải nghiệm thực tế ở cộng đồng, học sinh được yêu cầu viết nhật ký sau mỗi buổi học. Điều này giúp các em trình bày những quan điểm, nói lên điều mình phát hiện, khám phá được sau tiết học. Đồng thời tránh được sự nhàm chán và nâng cao tư duy, độc lập trong cách làm việc.
Từ lâu, ở các vùng như Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Lý Sơn, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) hay vùng núi Hòa Bắc (TP Đà Nẵng)… mô hình phục hồi nông nghiệp truyền thống gắn kết với du lịch để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội được nhóm học tập cùng cộng đồng triển khai.
TS Chu Mạnh Trinh cho rằng, du lịch học tập là hình thức khá mới mẻ như các tour học tập về cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải, sinh kế cộng đồng… Trong đó, người dân bản địa phải tham gia, làm chủ và là người thầy truyền đạt thông tin, kinh nghiệm hướng dẫn thực hành kỹ năng.
“Nếu làng bản là trường học thì ngư dân, nông dân là người thầy. Một ao cá cũng có thể trở thành lớp học khi có học sinh hỏi về mối quan hệ giữa vườn – ao - chuồng. Một con nhện giăng tơ trên cành cây cũng có thể là chủ đề trao đổi của lớp học để bổ sung cho những bài học ở trường”, TS Chu Mạnh Trinh khẳng định.
Chị Đỗ Thị Quỳnh Trâm - người thiết kế các nội dung của lớp học cuối tuần dành cho học sinh tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho biết, những lớp học cuối tuần là bước đệm để Hòa Bắc triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Thông qua tương tác với các bạn nhỏ, những người nông dân sẽ dần tự tin và có kỹ năng hơn để tương tác với khách du lịch sau này.
Những tiết học trên “bục giảng mở” hay nói cách khác là những tiết học trên thực địa, mang tính trải nghiệm thực tế cùng với đó có “giáo viên” là các nông dân, ngư dân hoặc là một nghệ nhân của làng nghề chính là nơi có thể lưu truyền kiến thức đi xa hơn. Bài học từ sách giáo khoa sẽ trở nên gần gũi khi các em được nhìn, nghe và tự tay thực hành dưới sự hướng dẫn của nông dân, ngư dân, nghệ nhân.