Những ngôi trường vùng cao Kon Tum không chỉ dạy chữ, mà còn là nơi “ươm mầm” ước mơ vươn lên từ gian khó.
Ở đó, có những học trò dân tộc thiểu số hằng ngày vượt qua đói nghèo, bền bỉ đến trường, nuôi dưỡng khát vọng đổi thay số phận bằng con đường học vấn.
Cô học trò người Ca Dong - Y Ly Như (lớp 9A, Trường Tiểu học - THCS Sa Loong, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) sinh ra trong gia đình thuần nông, trông chờ vào mảnh đất trồng mì, lúa nước nên “thiếu trước, hụt sau”.
Cha mẹ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chắt chiu từng đồng lo cho các con đi học. Thấu hiểu những nhọc nhằn trên vai cha mẹ, Y Ly Như học cách tự lập từ sớm. Những ngày nghỉ, em theo cha mẹ lên rẫy nhổ mì, gặt lúa. Tối về tranh thủ học và làm bài tập rồi phụ giúp việc nhà. Em tự lập thời gian biểu, chủ động ôn luyện, tìm hiểu tài liệu từ thư viện trường.
Từ nhỏ, Y Ly Như đã đam mê môn Địa lý vì có tính vận dụng thực tiễn cao. Để học tốt môn này, cô học trò thường xuyên liên hệ, áp dụng kiến thức đã học trên lớp vào cuộc sống hằng ngày. Từ đó, em dễ dàng ghi nhớ bài học, hiểu rõ bản chất vấn đề. Với cách học này, nữ sinh có thể nắm chắc kiến thức môn Địa lý và những môn học khác.
Thành tích học sinh giỏi suốt 8 năm liền là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của cô học trò nghèo. Năm học 2024 - 2025, em xuất sắc giành giải Nhất môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9. “Với em, học giỏi không phải để lấy phần thưởng mà để bố mẹ bớt lo. Đó là động lực để em không ngừng cố gắng mỗi ngày”, cô học trò Ca Dong tâm sự.
Cô Đặng Thị Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A cho biết: Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Y Ly Như luôn nỗ lực vượt khó và trở thành tấm gương vươn lên trong học tập. Em học giỏi toàn diện, đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi, hội thi. Không chỉ vậy, Y Ly Như còn thường xuyên giúp đỡ các bạn vượt khó, vươn lên trong học tập.
Hơn 10 tuổi, nhưng Y Trúc Lê (người Xơ Đăng, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học - THCS Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đã thay cha mẹ quán xuyến công việc nhà và lo cho 2 em.
Cô học trò sinh ra và lớn lên ở thôn nghèo Phia Pháp. Gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có đất đai nên cha mẹ chủ yếu đi làm thuê nhiều nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi 3 người con ăn học. Cha mẹ thường xuyên đi làm xa, ít về nhà nên hầu hết công việc trong gia đình, kể cả trông em, dạy em học… đều một tay Y Trúc Lê làm.
Khó khăn đeo bám nhưng Y Trúc Lê chưa một lần nghĩ sẽ dừng học. Ngược lại, em luôn nỗ lực học tập với hy vọng tương lai tốt đẹp hơn. Em cố gắng, chủ động học, ghi nhớ kiến thức ngay tại lớp. Phần nào chưa hiểu em nhờ thầy cô hướng dẫn, giải đáp. Về nhà em dành thời gian phụ giúp cha mẹ lo cho các em và làm công việc nhà.
“Càng khó khăn em càng phải cố gắng học. Có học thì sau này mới có công việc ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn”, Trúc Lê chia sẻ.
Mỗi buổi đến trường là một lần Y Trúc Lê mang theo hy vọng. Trong những lúc bộn bề, tiếng Anh đến với em như niềm vui. Những năm cấp 1, khi được tiếp cận với tiếng Anh, Y Trúc Lê đặc biệt yêu thích môn học này. Lúc đầu chỉ là những bài hát vui nhộn, tấm tranh từ sách, dần dần em bị cuốn hút bởi những âm thanh mới lạ, khiến em mơ ước một ngày có thể đứng trên bục giảng.
Càng học càng mê, em chủ động sắp xếp thời gian để học và nhờ thầy cô định hướng, hỗ trợ phương pháp học tập phù hợp nhất. Nhờ ý chí vượt khó, suốt 4 năm qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Riêng môn Tiếng Anh, Y Trúc Lê đoạt giải Nhì Cuộc thi Tài năng tiếng Anh cấp huyện năm học 2023 - 2024.
“Em thích môn Tiếng Anh. Em hy vọng sau này sẽ trở thành giáo viên tiếng Anh để dạy những học sinh khó khăn như mình và giúp cuộc sống gia đình bớt khốn khó”, em Y Trúc Lê bộc bạch.
Cô Trần Thị Lân - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A cho hay: Y Trúc Lê trên lớp là trò ngoan, về nhà là người con hiếu thảo. Nhằm động viên em đến trường, 2 năm học qua, nhà trường trao tặng học bổng trị giá 1 triệu đồng và một số đồ dùng học tập cho nữ sinh.
Hành trình vượt lên hoàn cảnh đã giúp Y Trúc Lê và Y Ly Như trở thành những tấm gương sáng, nguồn cảm hứng cho học sinh dân tộc thiểu số khác noi theo. Hai nữ sinh cũng chứng minh rằng, nghèo khó không phải lý do để nghỉ học mà càng phải kiên trì, nỗ lực không ngừng để cuộc sống bước sang trang mới với đầy sắc màu tươi sáng.
Ông Vũ Việt Thắng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) cho biết, năm học 2024 - 2025, toàn huyện có 11.232 học sinh tiểu học, THCS, trong đó tỷ lệ học sinh nghèo chiếm trên 10%
Những năm qua, phòng đã triển khai tốt công tác chăm sóc, giáo dục học sinh với nhiều phong trào, chương trình, mô hình ý nghĩa như: “Nâng bước em đến trường”, “Sách cũ cho năm học mới”, “Góc học tập yêu thương”. Hằng năm, phòng phối hợp với Huyện đoàn, các nhà hảo tâm trao hàng trăm suất học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.