Khỏe - Đẹp

Những người không nên ăn gừng

18/02/2025 12:40

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, gừng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, dưới đây là những người không nên ăn gừng.

Tác dụng của gừng với sức khoẻ

Có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc, gừng là thành phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của một số nước, trong đó có Việt Nam. Loại gia vị này được đánh giá cao nhờ vị thơm cay nồng sử dụng nhiều trong ẩm thực và dược liệu.

Báo VietNamNet dẫn nguồn trang BBC Goodfood cho biết, trong 10g gừng tươi có 4 calo, 2g chất đạm, 1g chất béo, 8g carbohydrate, 2g chất xơ, 42mg kali. Dưới đây là các tác dụng của gừng:

Giảm nhẹ các triệu chứng cảm lạnh

Trà gừng là lựa chọn tuyệt vời khi một người bắt đầu có biểu hiện cảm lạnh. Khi uống, người bệnh sẽ toát mồ hôi, do đó có thể hỗ trợ điều trị các tình trạng sốt do cúm hoặc cảm lạnh. Gừng tươi có thể có tác dụng kháng virus.

Làm dịu cơn buồn nôn và ốm nghén

Gừng được ghi nhận làm giảm các triệu chứng liên quan đến say tàu xe gồm chóng mặt, buồn nôn, nôn và đổ mồ hôi lạnh. Tác dụng này cũng tốt cho những người vừa trải qua phẫu thuật và chứng buồn nôn liên quan đến hóa trị nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

Gừng được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng buồn nôn và nôn do ốm nghén nhẹ. Tuy nhiên, các sản phụ nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rằng gừng phù hợp với thể chất của mỗi người.

Chống viêm, giảm đau

Trong gừng có các chất chống viêm giúp tăng cường đặc tính chữa bệnh như giảm triệu chứng viêm khớp. Gừng chứa các thành phần hoạt tính như gingerol tạo nên hương thơm và mùi vị độc đáo. Đây là hợp chất tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm stress oxy hóa, từ đó giảm lượng gốc tự do dư thừa trong cơ thể.

Hợp chất chống viêm mạnh này cũng giúp những người bị viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp giảm mức độ đau và cải thiện khả năng vận động.

Gừng tốt cho sức khoẻ nhưng không phù hợp với tất cả mọi người
Gừng tốt cho sức khoẻ nhưng không phù hợp với tất cả mọi người

Tốt cho hệ tiêu hóa

Chứng khó tiêu do quá trình làm rỗng dạ dày bị chậm. Nghiên cứu cho thấy, những người ăn gừng mất khoảng 12 phút để dạ dày trống rỗng so với 16 phút ở người bình thường.

Gừng thúc đẩy việc loại bỏ khí dư thừa khỏi hệ tiêu hóa, có tác dụng làm dịu đường ruột. Loại gia vị này đặc biệt tốt với trường hợp đau bụng do bất ổn tiêu hóa.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Một số nghiên cứu trên động vật ghi nhận gừng có thể kiểm soát mức cholesterol, giảm tổn thương động mạch và hạ huyết áp - tất cả đều có lợi cho tim và hệ tim mạch.

Những người không nên ăn gừng

Gừng được coi là loại thực phẩm an toàn đối với đa số mọi người. Tuy nhiên, gừng còn là một loại thảo mộc mạnh có tác dụng dược lý, có thể không phù hợp với một số người. Báo Điện tử VOV dẫn nguồn trang Times of India cho biết, dưới đây là những người không nên ăn gừng:

Người bị bệnh dạ dày

Gừng có tính kích thích niêm mạc dạ dày, có thể làm tăng tiết axit dạ dày, gây ợ chua, nóng rát dạ dày, khó tiêu, đầy hơi. Với người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, gừng có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn, gây đau đớn, chảy máu dạ dày.

Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế sử dụng gừng. Nếu sử dụng, nên dùng với liều lượng nhỏ, sau bữa ăn và kết hợp với các thực phẩm khác để giảm kích ứng dạ dày.

Người mắc bệnh trĩ

Gừng có tính nóng, có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng hậu môn trực tràng, khiến búi trĩ sưng to, gây đau rát, ngứa ngáy, chảy máu, khó chịu. Người bị bệnh trĩ nên hạn chế sử dụng gừng, đặc biệt là trong giai đoạn bệnh đang tiến triển.

Phụ nữ mang thai

Gừng có thể làm tăng nguy cơ co bóp tử cung, gây sảy thai hoặc sinh non, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn, nhưng một số ý kiến cho rằng gừng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối, nên hạn chế sử dụng gừng. Nếu muốn sử dụng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Người có cơ địa nóng trong

Gừng tính nóng, có thể làm tăng triệu chứng nóng trong như nhiệt miệng, táo bón, mụn nhọt, khó ngủ, tiểu buốt, tiểu rắt… Vì vậy, người có cơ địa nóng trong nên hạn chế tối đa việc sử dụng gừng, đặc biệt là vào mùa hè hoặc trong những ngày thời tiết nắng nóng.

Để bảo vệ sức khỏe, người có cơ địa nóng trong nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp.

Người bị bệnh gan không nên ăn gừng

Gừng tính nóng, khi vào cơ thể sẽ kích thích hoạt động bài tiết của tế bào gan. Điều này có thể gây quá tải cho gan, đặc biệt là với những người đang mắc các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ. Gừng còn có thể làm tăng men gan, gây vàng da, suy giảm chức năng gan.

Người bị bệnh gan nên hạn chế tối đa việc sử dụng gừng, kể cả gừng tươi, gừng khô, bột gừng hay tinh dầu gừng. Nếu muốn sử dụng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp.

Người bị sỏi mật có nên sử dụng gừng?

Tính nóng của gừng có thể làm co thắt túi mật, khiến sỏi mật bị mắc kẹt, gây đau đớn, tắc nghẽn đường mật. Trong trường hợp sỏi mật lớn, gừng có thể gây viêm túi mật, viêm đường mật, thậm chí là nhiễm trùng máu. Người bị sỏi mật không nên sử dụng gừng dưới bất kỳ hình thức nào.

Người đang sử dụng một số loại thuốc

Gừng có thể tương tác với một số loại thuốc như:

- Thuốc chống đông máu (warfarin, aspirin): Gừng có thể làm tăng tác dụng chống đông máu của thuốc, tăng nguy cơ chảy máu.

- Thuốc hạ huyết áp: Gừng có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của thuốc, gây tụt huyết áp.

- Thuốc điều trị tiểu đường: Gừng có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của thuốc.

- Thuốc ức chế miễn dịch: Gừng có thể làm giảm tác dụng của thuốc.

Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng gừng.

Thanh Thanh(Tổng hợp)

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/nhung-nguoi-khong-nen-an-gung-ar926429.html
Copy Link
https://vtc.vn/nhung-nguoi-khong-nen-an-gung-ar926429.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người không nên ăn gừng