Hiện nay NRF và AFF vẫn mở những đợt tấn công lẻ tẻ vào Taliban ở khu vực miền bắc Afghanistan. Đặc biệt có một đơn vị được cựu Bộ trưởng Nội vụ Masud Andrai chỉ huy đã tiêu diệt khoảng 50 tay súng Taliban. Đơn vị này đang kiểm soát vùng thung lũng Andrab ở tỉnh Baghlan.
Binh lính Taliban diễu binh nhân kỷ niệm 2 năm Mỹ rút quân.
Ở các tỉnh khác như Kapisa, Parwan và Badakhshan cũng đã có một số cuộc tấn công du kích khác do những nhóm nổi dậy địa phương thực hiện. Tại Kandahar, có dấu hiệu cho thấy binh lính cũ của cố Giám đốc Cảnh sát tỉnh Abdul Raziq Achakzai chuẩn bị nổi dậy hàng loạt. Abdul Raziq Achakzai từng có thời được coi là “người hùng” Afghanistan do sống sót qua không dưới 8 lần ám sát khác nhau. Taliban chỉ giết được Achakzai khi ông ta đang ngồi trên xe rời khỏi cuộc họp với tướng Mỹ Austin S. Miller. Hiện nay em trai Tadeen Khan của Achakzai đang lãnh đạo những người vẫn còn trung thành với anh mình. Tuy nhiên có nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về sự thiếu kinh nghiệm trận mạc của Tadeen Khan.
Ahmad Massoud tuyên bố trong một đoạn video được tung lên mạng vào tháng 7 vừa qua: “Taliban cho chúng ta hai con đường: đầu hàng hay là chết. Chúng không biết rằng chúng càng cứng rắn thì lại càng khiến nhiều người đứng lên chống lại chúng. Các nhóm chống Taliban đang xuất hiện trên khắp Afghanistan. Họ đang chờ đợi xem mọi chuyện sẽ đi đến đâu dưới thời Taliban”.
Phát ngôn trên được đưa ra sau khi cuộc điều đình giữa NRF và Taliban đổ bể sau nhiều tháng giậm chân tại chỗ. Ahmad Massoud còn cho biết sắp có một hội nghị giữa lãnh đạo những nhóm nổi dậy khác nhau nhằm thống nhất họ lại. Cuộc họp sẽ diễn ra tại Châu Âu. Câu hỏi hiện nay là liệu lãnh đạo các phong trào chống Taliban khác nhau có thống nhất được với nhau không? Ngay dưới thời chính phủ Kabul thân Mỹ còn tồn tại, đất nước của họ cũng bị chia cắt bởi những thế lực địa phương khác nhau. Họ tấn công lẫn nhau cũng thường xuyên như họ tấn công Taliban vậy. Thật khó để tưởng tượng rằng những thù hằn trước kia sẽ được các bên gạt sang hẳn một bên để cùng nhau chống lại Taliban.
Trông chờ vào Mỹ
Cho dù là NRF, AFF hay nhóm nổi dậy nào đi nữa, ai thuộc phe chống Taliban cũng kêu gọi phía Mỹ viện trợ cho họ. Về phần mình thì Washington không ủng hộ một cuộc chiến kéo dài với Afghanistan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời phóng viên tờ Task & Purplose: “Afghanistan đã trải qua chiến tranh trong suốt 44 năm liền. Chúng tôi không muốn thấy quốc gia này lại một lần nữa rơi vào xung đột, và dân chúng Afghanistan cũng từng nói với chúng tôi là họ không muốn chiến tranh”.
Bà Kate Clark, giám đốc tổ chức Mạng lưới Phân tích Afghanistan, nhận xét trên đài truyền hình CNBC: “Quả thật là vẫn có những người đang thách thức quân sự Taliban, nhưng vẫn chưa rõ liệu sẽ có nổi dậy quy mô lớn ở Afghanistan không... Taliban đã mất gần mười năm để xây dựng lại lực lượng sau khi rút lui khỏi Kabul vào năm 2001. Các nhóm nổi dậy chống Taliban còn yếu hơn Taliban thời điểm đó. Họ không kiểm soát bất kỳ đường biên giới nào và cũng không có quốc gia láng giềng hay thế lực quốc tế nào hỗ trợ như Taliban”.
Bà Clark còn chỉ ra một số khó khăn khác của phe nổi dậy: “NRF và AFF có nhiều lãnh đạo là quan chức, tướng lĩnh trong chính quyền cũ. Người dân Afghanistan căm ghét những nhân vật này vì tham nhũng và sự bất tài của họ. Ngay cả người Mỹ cũng không muốn hỗ trợ những đồng minh cũ... Họ không có đường dây liên lạc hữu hiệu nối giữa các cấp chỉ huy ở Iran, Tajikistan,... với binh lính đóng tại Afghanistan. Nhiều du kích đã bị Taliban bắt và xử bắn khi đang vượt biên hay đi cứu viện ở địa phương khác”.
Bà Clark kết luận: “Taliban quen với việc đánh nhau hơn là điều hành nhà nước. Các nhóm nổi dậy có khi lại là điều tốt với họ. Họ có thể dùng quân nổi dậy nhằm “thử lửa” binh lính, đồng thời có lý do để biện minh cho những sai lầm chính sách của mình”.
Nhà báo, nhà phân tích chính trị Natiq Malikzada chia sẻ quan điểm tương tự: “Lực lượng kháng chiến chống Taliban thiếu tiền và vũ khí phần lớn do không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nếu có đầy đủ nguồn lực thì họ hoàn toàn có thể thu hút được những cộng đồng dân cư thiểu số vào liên minh của mình. Người Uzbek, người Hazara, v.v... không ưa gì Taliban, nhưng họ cũng không muốn tham chiến bên phe kẻ thua”.
Taliban không coi các nhóm nổi dậy là mối lo hàng đầu của họ. Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid nói: “Afghanistan vừa mới trải qua hơn 40 năm chiến tranh. Ở đâu trên đất nước này cũng tìm ra vũ khí, cho nên không lạ gì khi xuất hiện những nhóm vũ trang chống chính phủ. Taliban tự tin vào khả năng đối đầu trực tiếp với các nhóm nổi dậy. Không có sự hỗ trợ của nước ngoài, họ không thể nào nghiêm túc thách thức chính phủ được”.