Những phiên chợ độc lạ ở TPHCM - Kỳ 3: Chợ… đàn ông

09/09/2023, 00:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gọi là “chợ đàn ông” vì thứ người ta bán ở đây lại thu hút nhiều đàn ông đến mua hơn phụ nữ. Có lẽ vì vậy mà những khu chợ này đã làm Sài thành lạ hơn, độc đáo hơn trong văn hóa đi chợ của người Việt - vốn chỉ được biết đến là công việc dành cho chị em.

Chợ sâu bọ còn gọi là chợ… đàn ông bởi chỉ có đàn ông đến mua côn trùng về nuôi chim, cá

Chợ bình yên

Cách chợ cá cảnh “âm phủ” không xa, một khu “chợ đàn ông” khác là những hàng bán côn trùng, sâu bọ nằm rải rác vỉa hè bên hông Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza (quận 5).

Từ tờ mờ sáng, những “tiểu thương” bắt đầu dọn hàng. Từ sâu non, cào cào, châu chấu, dế lửa đến cả rết, giun đất, thằn lằn, rắn liu điu … đều nằm lúc nhúc trong những chiếc thùng xốp tạm khiến bất kỳ ai yếu bóng vía đều phải rùng mình. Những người bán ở đây chủ yếu đến từ các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, thậm chí có người mang côn trùng từ Tây Ninh lên để bán. Một số người phải lấy hàng từ đầu mối, nhưng cũng có người trực tiếp đi bắt ngoài đồng, bỏ vào rọ rồi mang đến bán.

Bật cười khi tôi hỏi vì sao có cái tên “chợ đàn ông” ở nơi bán côn trùng này, chị Thìn (48 tuổi, ngụ quận 8) gần 30 năm buôn bán tại đây giải thích, do khách chủ yếu là đàn ông. Các ông có sở thích chơi chim, cá nên thường mua sâu bọ, côn trùng về cho chúng ăn, thế là “chết tên” khu chợ đàn ông từ đó.

Đang trò chuyện, một vị khách đi xe máy tới, chị Thìn đếm 5 bịch cào cào, một lon sâu gạo… bỏ vào bao xốp. Khách đưa 30.000 đồng rồi phóng xe đi thẳng. Chị cho hay, ở tất cả những “quầy” hàng, người bán đều cột sẵn côn trùng vào bịch ni-lông, giá từ 2.000 - 5.000 đồng/bịch. Vì quá rẻ nên khách đến mua cũng không kì kèo, trả giá, chỉ hỏi loại cần rồi cứ vậy trả tiền.

Khác hẳn với những khu chợ ồn ã, ở “chợ đàn ông” này cảnh bán buôn theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Hàng nào có mối ấy, chẳng ai phải mở miệng mời mọc khách. Đặc điểm mua bán dễ nhận thấy ở chợ là người bán không nói thách. Người mua cũng không phải trả giá. Người bán đã chuẩn bị từ trước cho khách mối, khách đi xe tới là có ngay.

Đôi bàn tay đen sạm và dậy mùi hăng hắc do thường xuyên tiếp xúc với côn trùng, bà Lan (gần 60 tuổi) - một trong những người bán ở đây lâu nhất chia sẻ, từ trước năm 1975 ở đây đã là nơi chuyên bán chim, gà chọi…

Sau đó, một số người mới đem sâu tới bán cho người ta mua về nuôi chim. Thấy bán được, có người nuôi rồi đem ra đây giao mối nên hình thành ra chợ - bà Lan cho biết.

Bốc thẳng tay vào đám sâu bọ lúc nhúc, ông Tám (ngụ huyện Hóc Môn) đã bán hàng tại chợ được 10 năm cười xòa khi thấy chúng tôi rùng mình. Ông kể, lúc đầu cũng ngán nhưng bán riết rồi quen. Giờ thằn lằn, rắn, rết, sâu bọ… gì ông cũng dùng tay không bắt dễ như chơi. “Nhiều năm trước, cào cào châu chấu ở các quận, huyện ngoại thành nhiều vô kể nhưng giá rẻ bèo, “chiến lợi phẩm” chỉ sau vài giờ bắt không dưới 2 kg nhưng bán chỉ vài ba chục ngàn đồng. Còn bây giờ, một bịch cào cào chỉ vài con nhưng giá 5.000-7.000 đồng tùy loại nhưng không có để bắt. Các mặt hàng mình bán đều do người ta nuôi, có thương lái bỏ sỉ, mình bán lấy công làm lời” - ông Tám thật tình nói.

Từ ngày có “chợ” sâu bọ, dân chơi chim khắp nơi về đây vào mỗi sáng để mua bán chim hoặc để nói chuyện tào lao xí đế. Tiếng chim hót, tiếng dế kêu, tiếng cào cào búng tanh tách… là những hình ảnh quê quen thuộc với nhiều người. Chính vì vậy, khu chợ độc đáo này không chỉ là nơi mưu sinh mà đã trở thành một nét văn hóa thú vị của người Sài thành, mang dáng dấp góc quê yên bình không dễ tìm thấy nơi chốn phồn hoa đô hội...

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nhung-phien-cho-doc-la-o-tphcm-ky-3-cho-dan-ong-c46a1499256.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nhung-phien-cho-doc-la-o-tphcm-ky-3-cho-dan-ong-c46a1499256.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phiên chợ độc lạ ở TPHCM - Kỳ 3: Chợ… đàn ông