“Khi vào mâm, tất cả đều cần mời trước khi ăn cơm. Cha mẹ nên mời trước, mời tất cả mọi người trong nhà và cả các con để các con học cách mời. Nếu con mời sai, cha mẹ cần điều chỉnh và nhắc nhở ngay lập tức”, cô Trang lưu ý.
Trong mâm cơm người Việt Nam, người lớn tuổi nhất sẽ là người cầm đũa gắp miếng đầu tiên. Điều này, dạy trẻ sự kiên nhẫn chờ đợi và biết kính trên nhường dưới.
Khi trẻ em muốn ăn món ăn ở xa tầm gắp, phải nhờ người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm để cố gắp thức ăn.
Trong bữa ăn, cần có nguyên tắc để dạy con. Cụ thể, cha mẹ dạy con không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng, phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn. Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào bát chung hoặc xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.
Khi chấm thức ăn vào bát nước chấm chung, không nên nhúng cả đầu đũa, miếng đã cắn dở không nên chấm hoặc phải đảo đầu chưa cắn để chấm. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.
Khi đưa bát xin cơm, nhất định con phải đưa bằng 2 tay, tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói, cơm sẽ bắn tung tóe gây mất vệ sinh và khiến hình ảnh con trở nên xấu xí hơn.
Không gõ đũa, bát thìa hoặc tạo tiếng ồn khi ăn. Dù trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự, mà còn là một phần giáo dục nhân cách.
“Nếu không được dạy nghiêm túc, trẻ em từ chỗ phản ứng tự nhiên do khẩu vị sẽ tới chỗ tự cho mình quyền chê bai, phán xét, không trân trọng thành quả lao động của người khác”, cô Trang bày tỏ và đặc biệt lưu ý, trong bữa cơm, cần dạy trẻ không gắp liên tục một món, dù đó là món khoái khẩu của mình.
Có rất nhiều điều trẻ cần được chỉ dạy nhưng cha mẹ nên chỉ dạy cho bé dần dần và tránh không nên biến giờ ăn sum họp gia đình thành giờ chất vấn con cái những chuyện khác ngoài cuộc sống như chuyện học hành, bạn bè…
Nếu cha mẹ to tiếng và luôn quát mắng con cái trong giờ ăn sẽ khiến tâm lý trẻ ức chế và dẫn đến việc trẻ sẽ không còn cảm thấy ngon miệng gây cản trở đến việc hấp thụ thức ăn. Cách dạy nhẹ nhàng và nhắc nhở dần dần mỗi ngày giúp con vào nền nếp sẽ giúp trẻ dễ tiếp thu hơn.
“Việc tạo ra luật lệ không phải để áp đặt trẻ nhỏ hành động theo ý bố mẹ. Mà mục đích ở đây là giúp cho mọi thành viên trong gia đình cư xử với nhau đúng mực, có trách nhiệm với bản thân và người khác. Chính vì vậy, các quy tắc có hiệu quả nhất khi được tạo ra và thống nhất bởi tất cả thành viên trong nhà”, cô Trang nhấn mạnh.