Chẩn đoán sai, dễ nhầm với bệnh khác
Theo bác sĩ, một số sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đó là chẩn đoán sai. Sốt xuất huyết có thể chẩn đoán nhầm với COVID-19 hoặc một bệnh cúm…
Khi đến ngày 4-5 của bệnh, lúc này máu có biểu hiện cô đặc hoặc tiểu cầu giảm nhanh mới nhập viện. Trong trường hợp này bệnh nhân cần truyền tiểu cầu, dung dịch cao phân tử và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Thậm chí trường hợp nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, suy gan, suy thận, men gan tăng… cần phải lọc máu.
Ngoài ra còn có một số biến chứng khác có thể gặp trên bệnh nhân mắc bệnh nền, phụ nữ có thai, người già…
Tự ý truyền dịch tại nhà
Người dân thường có tâm lý ngại tới bệnh viện và tự ý truyền dịch, truyền thuốc bổ, đạm… Đây là những dung dịch không được khuyến cáo trong điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế.
Người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết.
Người mắc sốt xuất huyết cần lưu ý cần làm xét nghiệm công thức máu hàng ngày để biết số lượng tiểu cầu bao nhiêu. Nếu tiểu cầu xuống dưới 50g/L thì nên nhập viện.
Sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể chăm sóc tại nhà và có thể theo dõi nhiệt độ cũng như dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, tránh không sử dụng các nhóm thuốc có salicylic vì có thể gây chảy máu.
Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:
- Nằm nghỉ ngơi;
- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt;duy trì 1500-2500ml nước / ngày
- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh;
- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
- Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sỹ.