Những thầy cô đón Xuân xa quê

14/02/2024, 06:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xuân họp mặt - Tết đoàn viên. Thế nhưng, nhiều thầy cô giáo dạy học ở vùng núi cao hay hải đảo xa xôi chọn đón Tết ở nơi lập nghiệp.

“Để so sánh với Tết quê thì trên này buồn hơn. Lên vùng cao công tác nên mỗi dịp Tết đến, người ta sum vầy, thì mình chỉ biết điện thoại cho bố, mẹ và anh em gửi lời chúc năm mới. Ăn Tết mãi với bà con cũng thành quen. Ngày Tết ở bản tuy thiếu thốn vật chất, nhưng tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì bà con cũng đều nhớ đến cô giáo. Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, giờ có thêm gia đình riêng ở đây, nên từ lâu tôi đã coi như quê hương thứ hai của mình”, cô Thuỳ chia sẻ.

Năm nay, thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lai Châu) ở lại trường đón Tết. “Lên Sìn Hồ công tác từ 2005, cứ đôi ba năm tôi lại về quê ăn Tết cùng với gia đình. Hiện Ban giám hiệu chỉ có 2 người do đó chúng tôi thay phiên nhau trực Tết. Năm nay đến phiên tôi ở lại trực nên đã thông báo tới gia đình kế hoạch ăn Tết tại Sìn Hồ”, thầy Tuấn chia sẻ.

Hiện ngành GD-ĐT huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có gần 2 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Xuân này hàng trăm thầy, cô giáo bỏ lại nỗi nhớ nhà để ở lại bản ăn Tết với đồng bào. Ngoài giáo viên được giao nhiệm vụ ở lại trực, làm công tác vận động học sinh tới trường sau Tết, còn có không ít giáo viên bám bản vì nặng tình với bà con.

“Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên trên địa bàn hết sức cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có được kết quả đó là nhờ sự cống hiến, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên miền xuôi lên công tác”, ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ cho biết.

Thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lào Cai). Ảnh: NVCC
Thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Sìn Hồ (Lào Cai). Ảnh: NVCC

Đón Tết ở phòng thí nghiệm

TS Phan Lê Minh Tú (Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng) xếp lịch nghiên cứu để đúng thời khắc giao thừa có thể gọi điện về Việt Nam chúc Tết gia đình. Giảng viên trẻ Minh Tú hiện làm nghiên cứu sau tiến sĩ trong thời gian một năm tại đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) với công trình khoa học Phát triển phương pháp chẩn đoán và liệu pháp miễn dịch điều trị HIV bằng DNA origami.

Từng có 6 năm không đón Tết, xa Tổ quốc khi làm tiến sĩ tại Hàn Quốc, TS Phan Lê Minh Tú cũng dần quen. Khi người người sum họp bên gia đình, người thân, Tú vẫn bận rộn, nhiều hôm thức trắng đêm trong phòng thí nghiệm và tự an ủi mình sẽ sớm trở về nhà.

“Nhưng những ngày cuối năm, mỗi lần gọi điện thoại về cho gia đình, thấy những bận rộn quen thuộc từ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, mua sắm tất bật để đón Tết đoàn viên, cũng không tránh khỏi nỗi buồn. Thật khó miêu tả cảm giác khi thiếu vắng không khí tất bật, náo nức của những ngày cận Tết, vốn được coi là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ”, Tú kể.

Trên chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, TS Phan Lê Minh Tú đã có 26 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, 3 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước; Giải thưởng Poster nghiên cứu xuất sắc tại Hội thảo Quốc tế về công nghệ và ứng dụng thiết bị cảm biến Sensordevices tổ chức ở Rome (Ý) do IARIA, Hoa Kỳ trao tặng, 1 poster xuất sắc tại hội thảo quốc tế. Những con số chính là kết quả của một hành trình gian lao với chuỗi ngày “ăn, ngủ” bên phòng thí nghiệm, xa Tết quê hương của Tú.

Công trình nghiên cứu, bài báo khoa học “Xét nghiệm miễn dịch điểm chấm dùng nano vàng - đồng để phát hiện kháng nguyên CFP-10 đặc hiệu của bệnh lao bằng mắt thường” của TS Phan Lê Minh Tú nhận được đánh giá cao từ Hội đồng xét chọn Quả cầu Vàng năm 2022. Đây là nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực xét nghiệm y học, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

13 năm dạy học ở Trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang), cô giáo Phạm Thị Bích Duyến chỉ về quê Quảng Bình đón Tết hai lần. “Phần vì điều kiện kinh tế eo hẹp, phần do mỗi lần về phải di chuyển qua mấy chặng bay nên tôi chỉ về quê vào dịp hè, khi quỹ thời gian nghỉ được dài hơn”, cô Duyến kể.

Những năm đầu khi đón Tết một mình trong dãy tập thể của trường, cô giáo trẻ không tránh được nỗi nhớ nhà và khóc thầm. Biết cô giáo đón Tết xa nhà, nhiều học sinh đến chơi, mời cô đến thăm gia đình. Những món ăn ngày Tết đậm vị quê hương như mứt gừng, tôm chua… cũng được cô Duyến đặt mua online để gợi nhớ về những ngày Tết quê nhà, khi cha mẹ còn đủ đầy…

Cô Duyến so sánh: “Dạy học ở vùng biển đảo nhưng Phú Quốc phát triển mạnh về du lịch, thế nên, dù đón Tết xa quê nhưng không khí xuân vẫn rộn ràng hơn so với nhiều đồng nghiệp ở những miền biên viễn”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-thay-co-don-xuan-xa-que-post671392.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-thay-co-don-xuan-xa-que-post671392.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những thầy cô đón Xuân xa quê