Những vị 'thầy nghìn người'

13/02/2024, 06:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong số các vị “thầy nghìn người” được sử sách đời sau ghi chép rõ ràng sự trạng, phải kể đến vị trạng nguyên khai khoa thời Lê sơ là Nguyễn Trực.

Vũ Thạnh

Một vị danh sư dạy dỗ hàng nghìn học trò khác ở thời Lê trung hưng là Thám hoa Vũ Thạnh. Ông quê làng Đan Luân huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang) tỉnh Hải Dương, lên du học ở kinh thành Thăng Long và từng thi đỗ giải nguyên. Năm 22 tuổi, ông đỗ Thám hoa Đình nguyên khoa Ất Sửu, năm Chính Hòa thứ 6 (1485).

Phan Huy Chú mô tả: “Học vấn của ông rộng rãi. Làm văn, ông cốt tao nhã lưu loát, ông ra sức sửa chữa thói quen viết văn thời bấy giờ. Vì từ thời trung hưng về sau, văn chương ngày càng hèn kém, thô bỉ. Văn ông làm ra thì chuyên về thay đổi lối cũ, đổi lối quê kệch vụng về thành trôi chảy, đổi cũ rích thành ra thanh nhã mới mẻ. Thời bấy giờ xô nhau hướng theo, thể văn từ đấy thay đổi”.

GS.TS Vũ Minh Giang trình bày tham luận tại hội thảo khoa học 'Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp' năm 2018. Ảnh: INT.
GS.TS Vũ Minh Giang trình bày tham luận tại hội thảo khoa học 'Thám hoa Vũ Thạnh - Con người và sự nghiệp' năm 2018. Ảnh: INT.

Vũ Thạnh làm quan trải các chức Thiêm đô ngự sử, bồi tụng, thường ở trong phủ chúa giúp các việc trong ngoài. Nhưng vì ông đem việc các hoạn quan hay xin xỏ, cầu cạnh trong việc kiện tụng tâu lên, triều đình buộc tội gièm pha nên bãi chức của ông. Theo “Lịch triều tạp kỷ” thì lúc đó ông đang giữ chức nội tán.

Ông về mở trường dạy học ở làng Hào Nam (nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội), học trò theo học cũng đến có hàng nghìn, đỗ đại khoa cũng đến hơn 70 người. Ngô Cao Lãng bổ sung thêm rằng: “Học trò của ông, về sau phần nhiều trở thành những bầy tôi có danh tiếng”.

Trường “tư thục” của ông chỉ cách Văn Miếu, Quốc Tử Giám một làng, nhưng số lượng học sinh thì đông không kể xiết. Theo một số tài liệu để lại, thời đó Hào Nam còn liền sát với hồ Bảy Mẫu. Mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chứa hết, học trò phải mượn thuyền nan cập vào bên hồ nghe giảng.

Học trò của ông làm quan nhiều đến nỗi, một lần nhà ông có giỗ, các học trò làm quan tại triều đều về họp ở nhà ông. Chợt khi ấy, chúa Trịnh đòi các quan vào hầu, mà không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu các quan vào hầu.

Sau một thời gian dạy học, Vũ Thạnh lại được chúa Trịnh triệu vào triều, bổ đến chức Tự khanh. Khi ông mất, được truy tặng là tham chính.

Phan Huy Chú nhận xét: “Cái danh dự về nho sư thì ông Vũ Thạnh cũng được khen ngang với ông Nguyễn Đình Trụ ở Nguyệt Áng”.

Ngoài các vị kể trên, có ông Vũ Công Trấn, người huyện Thanh Oai, Hà Nội, đỗ đồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn đời vua Lê Dụ Tông (1724), sau lại thi đứng thứ nhì kỳ thi Đông các.

Ông làm quan đến chức tả thị lang bộ Binh, sau khi đã về hưu còn được chúa Trịnh triệu ra làm việc tiếp. Sách “Nhân vật chí” cho biết: “Lúc thôi quan về nhàn rỗi, ông thích dạy học. Học trò theo học rất nhiều, người thành danh cũng lắm”. Lúc mất, ông được tặng chức thượng thư, tước quận công.

Hoặc ông Vũ Công Đạo, người huyện Đường An (Bình Giang, Hải Dương), đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1659), cũng được sử sách ghi nhận về việc dạy dỗ được nhiều anh tài. Ông chính là thầy học của Thám hoa Vũ Thạnh, bảng nhãn Phạm Quang Trạch và Hội nguyên Nguyễn Danh Dự.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-vi-thay-nghin-nguoi-post671073.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-vi-thay-nghin-nguoi-post671073.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vị 'thầy nghìn người'