Giáo dục

Niềm vui từ những ngôi trường mới

04/09/2024 18:41

Trường học ở khắp mọi miền đất nước đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới.

Trường lớp khang trang, sạch đẹp; học sinh vùng cao được thầy, cô giáo đón trở lại trường. Những trang sách mới mở ra với bao điều kỳ diệu chờ được khám phá…

Dọn bùn đón trò đến trường

Theo kế hoạch của ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, các trường đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9. Nhưng những ngày cuối tháng 8, nhiều điểm trường ở các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé vẫn chịu ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài gây mất an toàn, khó khăn trong việc quay trở lại trường học của giáo viên và học sinh.

Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, năm học 2024 - 2025, ngành GD-ĐT tỉnh phát động phong trào thi đua chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” và xây dựng góc học tập tại nhà cho học sinh khó khăn. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, bà Trung mong rằng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ phấn đấu vươn lên, đạt kết quả cao trong học tập.

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều điểm trường bị ngập lụt, sạt lở đất đá gây hư hại, nhất là phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy học cùng phòng ở giáo viên, nhà bếp. Trong đó, 3 trường bị thiệt hại nặng nhất là: Điểm trường Xà Quế thuộc Trường Mầm non xã Chung Chải, điểm trường Nậm Ban thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố, Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho hay: “Sau trận mưa lũ, khắp trường đều là bùn đất. Trời liên tục có mưa khiến công tác dọn dẹp trong thời gian này trở nên khó khăn, vất vả, song nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền các địa phương, phụ huynh học sinh cùng toàn bộ giáo viên, với phương châm nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp đến đó, công tác dọn dẹp đã hoàn tất”.

Để bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được Trường THCS xã Mường Pồn, huyện Điện Biên nhanh chóng thực hiện.

Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường THCS xã Mường Pồn chia sẻ: “Đợt mưa lũ, sạt lở vừa qua tuy không khiến nhà trường thiệt hại nặng nề về tài sản. Song do trường nằm sát khu vực sạt lở cùng với mưa kéo dài, tôi lo sợ sẽ gây ra sụt lún các lớp học. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường đã có thể đổi địa điểm, sẵn sàng cơ sở vật chất đón học sinh trở lại học”.

Liên quan đến việc chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh các cấp, ông Đặng Quang Huy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên thông tin, phòng đã chỉ đạo các trường chuẩn bị sách giáo khoa, đảm bảo mỗi em có 1 bộ để học tập khi bước vào năm học mới. Đồng thời, đơn vị tham mưu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt lớp 5 và lớp 9 để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình GDPT mới.

Tại Trường THCS Pom Lót, huyện Điện Biên, từ cuối kỳ nghỉ hè, học sinh được thầy, cô giáo hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới. “Sau khi có văn bản thống nhất sách giáo khoa học tại tỉnh, nhà trường đã tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về những đầu mục sách giáo khoa, sách bài tập và các tư liệu tham khảo”, cô Hiệu trưởng Trần Thị Bích Nga chia sẻ.

niem vui tu nhung ngoi truong moi3.jpg
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) trang trí trường học chuẩn bị cho lễ khai giảng. Ảnh: Phương Hồ

Tiếp sức cho trò

Chuẩn bị cho năm học mới, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các trường học ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đều tập trung rà soát, bổ sung điều kiện tổ chức nội trú cho học sinh. “Với mầm non và tiểu học, tỷ lệ học sinh trở lại trường đạt 100%. Với cấp THCS, thầy, cô giáo phải kết hợp với chính quyền địa phương, trưởng thôn nóc để vận động học sinh ra lớp. Việc này được trường học tiến hành từ trước khai giảng khoảng hơn 1 tuần để học sinh có tâm thế sẵn sàng cho năm học mới”, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My thông tin.

Trường THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) trong hè đã tổ chức phụ đạo miễn phí cho những học sinh có học lực trung bình, yếu. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Điệp cho biết, đây là những lớp học tiếp sức để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

“Lớp học tổ chức với mục đích ôn tập, củng cố lại kiến thức cơ bản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh nên các em không có nhiều áp lực. Trong thời gian nghỉ hè, học sinh vẫn đến trường học với một số buổi học nhất định nên cảm giác gắn bó sẽ khác so với các em kéo dài thời gian nghỉ hè 3 tháng”, thầy Điệp chia sẻ.

niem vui tu nhung ngoi truong moi (1).jpg
Các trường học ở Điện Biên chuẩn bị sách giáo khoa đầy đủ, kịp thời cho học sinh. Ảnh: Minh Đức

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS&THPT DTNT Hà Tĩnh (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức tuyển sinh trở lại sau 1 năm tạm dừng. Từ cuối tháng 7, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tập trung vệ sinh trường lớp học, chuẩn bị tươm tất nhất có thể.

Công tác rà soát học sinh các khối được triển khai quyết liệt để sau khi hoàn thành tuyển sinh, trường sẽ vận động trường hợp khó khăn ra lớp. Hiện tại, ngoài nguồn hỗ trợ từ chính sách, nhà trường chủ động kết nối với doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ thêm những suất quà đầu năm nhằm động viên học sinh vùng dân tộc…

“Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh, trang trí lớp học, nhà trường đã cắt cử giáo viên đến nhà để tìm hiểu tình hình và vận động học sinh ra lớp. Giáo viên cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương, ngành chức năng nơi học sinh cư trú để động viên, nhắc nhở nhằm đảm bảo sĩ số trong năm học mới”, thầy Đặng Bá Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT DTNT Hà Tĩnh trao đổi.

niem vui tu nhung ngoi truong moi (4).JPG
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình, TPHCM) háo hức trong ngày tựu trường. Ảnh: Hồ Phúc

Động lực trước thềm năm học mới

Năm học 2024 - 2025 toàn tỉnh Thái Nguyên có 677 trường phổ thông và mầm non công lập, ngoài công lập với gần 335 nghìn học sinh. Ngoài ra, còn khoảng 12,8 nghìn học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. So với năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh tăng trên 5,2 nghìn học sinh.

Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đồng thời cho hay: Năm học này, các cấp học trên địa bàn tỉnh đều tăng số lượng học sinh. Ngay khi kết thúc năm học cũ, sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trên địa bàn nhanh chóng chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới lớp học, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Ngoài sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục nhỏ, nhiều trường được đầu tư hàng tỷ đồng để xây mới phòng học, nhà hiệu bộ, khuôn viên sân trường.

Theo ông Thịnh, Thái Nguyên đã đầu tư gần 75 tỷ đồng để xây mới 10 công trình gồm: Lớp học, phòng bộ môn, nhà đa năng… cho một số trường THPT. Cùng đó, sở GD&ĐT cũng phân bổ gần 40 tỷ đồng để các trường THPT sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học trước thềm năm học mới.

Tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên), để chuẩn bị cho năm học mới, địa phương được đầu tư xây dựng mới 3 trường mầm non với tổng kinh phí 70 tỷ đồng; xây mới 18 phòng học và 16 phòng chức năng của 4 trường tiểu học và THCS với tổng kinh phí 24,7 tỷ đồng; đầu tư 18 tỷ đồng sửa chữa, chống xuống cấp 17 công trình của các trường mầm non, tiểu học và THCS. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, tài trợ của các nhà hảo tâm, đơn vị quân đội trong và ngoài tỉnh.

niem vui tu nhung ngoi truong moi (5).jpg
Học sinh huyện Sa Thầy (Kon Tum) tăng cường tiếng Việt vào đầu năm học mới. Ảnh: Trúc Hân

Những ngày cuối tháng 8, các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành nhiều hạng mục công trình để kịp thời bàn giao cho trường trước thềm năm học mới. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Định Hóa (Thái Nguyên) Nguyễn Thị Thu Hoài, công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng là niềm vui, phấn khởi với toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh các trường. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trở thành động lực để thầy cô tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục; học sinh vui mừng, phụ huynh học sinh phấn khởi, yên tâm khi con em học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp.

Năm học mới, Kon Tum có 151 phòng học được xây mới và 290 phòng được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa trước khi bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, phòng học bộ môn, thư viện, nhà ở học sinh, nhà vệ sinh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo là 134 phòng. Trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, dụng cụ học tập của học sinh được trang bị từ nhiều nguồn, đảm bảo cho công tác học tập.

Năm học 2024 - 2025, Hà Tĩnh giữ nguyên quy mô 668 trường mầm non và phổ thông. Từ sự chỉ đạo của ngành GD-ĐT, đồng hành của chính quyền các địa phương, phụ huynh và nỗ lực của giáo viên, các trường học ở Hà Tĩnh được đầu tư khang trang tạo động lực cho thầy trò trước thềm năm học mới.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) xây mới dãy nhà 2 tầng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà trường được đầu tư thêm 1,2 tỷ đồng để tu sửa nhà ăn bán trú và dãy nhà hành chính hiệu bộ.

“Với sự đầu tư này, nhà trường cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp, đáp ứng mục tiêu hoàn thành trường chuẩn quốc gia cuối năm nay. Nhà trường cũng tự tin triển khai ăn bán trú ngay sau lễ khai giảng”, cô Đinh Thị Thanh Hòa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên phấn khởi chia sẻ.

niem vui tu nhung ngoi truong moi 7.jpg
Trường THPT Khánh Hòa (Thái Nguyên) đầu tư xây dựng 1 nhà đa năng với kinh phí 5 tỷ đồng. Ảnh: Phương Thảo

Tương tự, Trường Tiểu học Hương Liên (huyện Hương Khê) được Tỉnh đoàn, Hội LHTN Hà Tĩnh phối hợp với doanh nghiệp trao tặng 15 bộ máy tính với giá trị hơn 90 triệu đồng thông qua chương trình “Phòng Tin học cho em”. Những bộ máy tính là món quà ý nghĩa đối với thầy trò, mở ra cơ hội học tập tốt hơn đối với học sinh.

Tại huyện miền núi Hương Sơn, năm nay, các trường học cũng được bổ sung cơ sở vật chất, phòng học với nguồn kinh phí hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường được đầu tư nguồn lực lớn như: Trường THCS Trần Kim Xuyến xây dựng phòng học kiên cố, nhà đa năng trị giá khoảng 13 tỷ đồng; Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện xây dựng phòng bộ môn, các công trình phụ trợ trị giá khoảng 10 tỷ đồng; Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng xây dựng phòng học kiên cố, sân bóng, trị giá hơn 10 tỷ đồng; Trường Tiểu học Sơn Lâm xây dựng phòng học kiên cố, nhà đa năng trị giá khoảng 14 tỷ đồng…

“Sự quan tâm của toàn xã hội đã là động lực để các thầy, cô giáo, học sinh khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng bước vào năm học mới với tâm thế mới”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Năm học 2024 - 2025, tổng số học sinh các cấp tại TPHCM là hơn 1 triệu học sinh, tăng 24.097 em. TPHCM vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM trao đổi: Dự kiến trong năm 2024, thành phố đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 412 phòng) với tổng mức đầu tư là 2,2 nghìn tỷ đồng. Riêng ngày 5/9, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới với tổng mức đầu tư 1,9 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, tới thời điểm này, các trường trên địa bàn đều sẵn sàng để chào đón học sinh bước vào năm học mới. Sở GD&ĐT TPHCM đã có chỉ đạo về công tác tổ chức lễ khai giảng. Theo đó, lễ khai giảng năm học gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ được tổ chức theo tinh thần ngắn gọn, tối đa khoảng 60 phút. Về phần hội sẽ diễn ra sau phần lễ để tạo không khí vui tươi, thoải mái và phấn khởi cho học sinh trong ngày đầu năm học mới.

Chuẩn bị cho năm học mới và ngày khai giảng, các trường học trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học; trang trí lại lớp học; sửa chữa, nâng cấp, bổ sung các hạng mục còn thiếu và bị hư hỏng do ảnh hưởng của thiên tai gây ra; tổng vệ sinh trường lớp, đảm bảo an toàn, tạo cảnh quan trường, lớp học “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/niem-vui-tu-nhung-ngoi-truong-moi-post699238.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/niem-vui-tu-nhung-ngoi-truong-moi-post699238.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm vui từ những ngôi trường mới