Ninh Thuận tiếp tục nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

05/10/2023, 19:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Qua 10 năm triển khai Nghị quyết 29 - TW/NQ, ngành giáo dục Ninh Thuận gặt hái được nhiều thành tựu, song cũng gặp không ít thách thức.

Tiếp tục chương trình làm việc, khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận.

Chưa đáp ứng được tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Tỉnh uỷ Ninh Thuận đánh giá, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 8.808 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, so với định mức còn thiếu 873 giáo viên.

Tình trạng thiếu nhân viên đảm nhiệm các công việc trong vị trí việc làm còn khá phổ biến ở nhiều trường. Việc thực hiện tinh giản 10% biên chế gây khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, nhất là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hệ thống trường, lớp phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm triển khai.

Tính đến tháng 3/2023, tổng số trường đạt chuẩn ở Ninh Thuận là 148 trường, trong đó phổ thông 123/211 trường đạt tỷ lệ 58,8%; cấp mầm non đạt chuẩn 25/88 trường, đạt tỷ lệ 28,4%.

Đại diện các ban, ngành tại Ninh Thuận báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: M.T ảnh 1
Đại diện các ban, ngành tại Ninh Thuận báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: M.T

Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, thiếu hệ thống trường chất lượng cao. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn chế so với nhu cầu dẫn tới tình trạng thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập và thiếu trang thiết bị dạy học.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Ninh Thuận ổn định và từng bước được nâng lên. Quy mô và cơ cấu giáo dục chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

Việc mở rộng cơ hội đi học đúng tuổi các cấp học được thể hiện rõ ở cả hai tiêu chí tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và mục tiêu đặt ra, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp còn rất thấp, chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều chênh lệch giữa các vùng, tình trạng học sinh nghỉ học và nghỉ cách nhật ở miền núi vẫn còn nhiều, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đạt yêu cầu, khả năng tự học của học sinh còn hạn chế.

Từ năm 2013 đến năm 2022, tổng ngân sách chi cho giáo dục của tỉnh Ninh Thuận là 13.726 tỷ đồng (tỷ lệ hằng năm chiếm từ 12,72% đến 18,59% trên tổng ngân sách của tỉnh); năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đảm bảo cơ cấu lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp, học bổng cho học sinh và các hoạt động giáo dục để đảm bảo chất lượng các cấp học.

Tuy nhiên, tỷ lệ trên chưa đáp ứng được mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách.

Lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Ảnh: Đức Anh ảnh 2
Lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Ảnh: Đức Anh

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 29, trong giai đoạn tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong đó, tỉnh sẽ triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tỉnh Ninh Thuận kiến nghị các bộ, ngành liên quan có cơ chế huy động nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các địa phương khó khăn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bổ sung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục khuyết tật, các trường phổ thông dân tộc nội trú và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh kiến nghị có chương trình hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số; tăng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú.

Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo.

Địa phương dù nghèo nhưng nếu dành sự quan tâm, giáo dục sẽ khác

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ GD&ĐT đã trao đổi làm rõ một số vấn đề của giáo dục Ninh Thuận như tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nguyên nhân khó khăn tuyển dụng giáo viên; công tác kiểm định chất lượng giáo dục; công tác nghiên cứu khoa học; phân luồng học sinh sau THCS; tỷ lệ bỏ học của học sinh dân tộc thiểu số; tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục địa phương; giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: M.T ảnh 3
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: M.T

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, qua báo cáo và trao đổi, rõ ràng Ninh Thuận là tỉnh khó khăn - điều này ảnh hưởng tới kết quả của đổi mới giáo dục.

Thứ trưởng cũng đánh giá, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Tỉnh uỷ Ninh Thuận rất thẳng thắn khi đã đề cập tới các nhóm tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo của địa phương.

Về khó khăn được cho là lớn nhất của giáo dục Ninh Thuận là thiếu cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, Thứ trưởng thông tin, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình, đề án có mục tiêu hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư phát triển giáo dục về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cung cấp thông tin cho đơn vị chuyên môn của Bộ GD&ĐT.

Chia sẻ quan điểm “địa phương dù nghèo nhưng nếu lãnh đạo tỉnh quan tâm, các sở ngành quan tâm, giáo dục sẽ khác; nếu việc quan tâm có mức độ, giáo dục sẽ khó khăn”, Thứ trưởng mong muốn tỉnh Ninh Thuận cố gắng dành sự quan tâm cho giáo dục.

Ngoài nguồn lực nhà nước, tỉnh cũng cần quan tâm tăng cường thu hút xã hội hoá.

“Ninh Thuận đã có nghị quyết riêng về xã hội hoá và bước đầu làm tốt xã hội hoá giáo dục. Những năm tới Ninh Thuận có điều kiện phát triển nhanh hơn nên cần phát huy hơn nữa xã hội hoá”, Thứ trưởng nói.

Với tỷ lệ dân số là đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý tỉnh Ninh Thuận về việc đảm bảo quyền được học tập, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

Theo báo cáo của tỉnh, hiện số lượng học sinh bỏ học còn khá cao. Để có những giải pháp đột phá cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, tháo gỡ được những khó khăn, nút thắt, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Thuận trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW sẽ có những đề xuất, kiến nghị chính sách lớn về giáo dục và đào tạo.

Ông Phan Tuấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: M.T ảnh 4
Ông Phan Tuấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: M.T

Tiếp thu các kiến của đoàn công tác Bộ GD&ĐT, ông Phan Tuấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tỉnh Ninh Thuận mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ giáo dục Ninh Thuận, nhất là những chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ninh Thuận tiếp tục nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo