Thêm vào đó, nguồn tin thu thập được từ người dân khu vực cũng như camera an ninh thì trong khoảng thời gian trên, khu vực này không ghi nhận có vụ cướp nào. Tổng hợp những tài liệu thu thập được, các điều tra viên đã chất vấn, đấu tranh với Thuyết. Biết không thể qua mặt được Công an, cuối cùng bà Thuyết khai nhận không có vụ cướp như tin báo. Bản thân do nợ nần nên báo tin giả mất tiền để che giấu nợ của mình.
Trên địa bàn thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), thời gian qua có nhiều người dân đến cơ quan Công an báo tin giả bị cướp tài sản. Thậm chí những người này còn dựng nên những tình huống táo tợn khiến cho người dân lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, thông thường các vụ báo tin giả kiểu này không thể qua được nghiệp vụ của lực lượng Công an. Cuối cùng, sự thật được phơi bày và người tung tin giả bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Sau khi tiếp nhận một số vụ việc báo án, quá trình điều tra, chúng tôi đã làm rõ các tin báo này là giả. Người dân xuất phát từ việc bị "dí" nợ nần để nhằm đánh lạc hướng con nợ để không bị áp lực đòi nợ nên đến Công an báo án giả. Công an thị xã cũng đã gọi hỏi, răn đe, giáo dục những trường hợp báo tin giả", Trung tá Võ Hữu Vi, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Đức Phổ cho biết thêm.
Việc báo án giả là vi phạm pháp luật, vì trình báo không đúng sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, tạo dư luận không tốt về tình hình ANTT địa phương. Ngoài ra, người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu theo luật định. Nếu đối tượng báo tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi hành vi báo tin giả, sai sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.