Tại ngày 31/12/2024, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 193% và chiếm 55% tổng nợ xấu tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB).
Hơn 11.000 nghìn tỷ nợ xấu nội bảng
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 16% so với cùng kỳ xuống 3.916 tỷ đồng. Ngoài khoản lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 80% so với quý IV/2023 xuống 49 tỷ đồng thì các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng.
Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng 25% lên gần 654 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 4,6 lần từ gần 31 tỷ đồng lên 145 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác tăng 37% lên hơn 511 tỷ đồng.
Với các nguồn thu tăng trưởng đồng thời tiết giảm 34% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 1.123 tỷ đồng, VIB báo lãi trước thuế đạt 2.401 tỷ đồng, lợi nhuận sau đạt 1.921 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, VIB ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 10% so với năm trước xuống hơn 16.750 tỷ đồng. VIB báo lãi ròng trước và sau thuế giảm 16% so với năm trước xuống lần lượt 9.004 tỷ đồng và 7.204 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần của ngân hàng sụt giảm và các khoản thu ngoài lãi đi lùi như lãi thuần từ dịch vụ giảm 20% còn 1.765 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 10% còn 501 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí hoạt động cả năm 2024 của ngân hàng tăng thêm 9% lên mức 7.211 tỷ đồng nên dù VIB đã tiết giảm 10% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng còn 4.353 tỷ đồng, ngân hàng vẫn báo lãi đi lùi.
Tại thời điểm cuối kỳ, VIB ghi nhận với tổng tài sản đạt 493.158 tỷ đồng, tăng 20% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 22% lên hơn 324.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 17% so với đầu năm, lên 276,308 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của VIB tại thời điểm 31/12/2024 là 11.374 tỷ đồng, đã tăng 36% so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, trong khi nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của ngân hàng lần lượt giảm 7% và 28% xuống gần 2.306 tỷ đồng và 2.671 tỷ đồng thì nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ngân hàng lại tăng vọt tới 193%, tương đương gấp 3 lần năm trước từ 2.198 tỷ đồng lên 6.307 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay của ngân hàng đã tăng từ 3,14% hồi đầu năm lên 3,51%.
VIB tại dự án “đất vàng” Phan Chu Trinh
Tại Kết luận Thanh tra số 419/KL-TTCP ngày 13/11/2024, Thanh tra Chính Phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại không đúng quy định liên quan đến công tác liên danh, liên kết sử dụng đất của Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự.
Cụ thể, về văn bản số 273/BGTVT-KHĐT ngày 24/3/2004 của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và Quyết định số 223/KHĐT ngày 29/3/2004 của TCTCN cho phép Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự sử dụng cơ sở nhà đất này hợp tác, liên doanh đầu tư với Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế Việt Nam (VIB) thành lập pháp nhân mới là không đúng với quy định về quyền và nghĩa vụ của người thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 (không có quyền được góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức như đối với giao đất có thu tiền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật đất đai số 24-L/CTN ngày 14/7/1993 và điểm d khoản 2 Điều 110 Luật Đất đai năm 2003).
Bên cạnh đó, việc Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự sử dụng tài sản Nhà nước (gồm: tài sản trên đất và giá trị lợi thế đất của cơ sở nhà đất tại 16 Phan Chu Trinh) để góp vốn với VIB theo Hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng ngày 19/8/2004 nhưng không thẩm định giá là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ.
Bộ GTVT có Văn bản số 8829/BGTVT-QLDN ngày 26/8/2013 và TCTCN có Văn bản số 757/TCT ngày 15/8/2013 (theo Văn bản đề nghị số 50/TCKT ngày 12/8/2013 của Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự) chấp thuận chủ trương để Công ty TNHH MTV Cơ khí Ngô Gia Tự chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty TNHH VIB-NGT khi chưa có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ.
Ngoài việc Bộ GTVT, CTCTN chấp thuận chủ trương sai, liên doanh giữa VIB – NGT tiếp tục được UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiều quyết định có lợi để “tư nhân hóa” đất vàng Nhà nước.
Theo đó, Quyết định số 1332/QĐ-UBND ngày 11/4/2008 của UBND TP Hà Nội thực hiện đồng thời việc thu hồi đất của Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự và giao cho Công ty TNHH VIBANK-NGT sử dụng để thực hiện dự án đầu tư Tòa nhà văn phòng thương mại và dịch vụ VIBANK-NGT trong khi Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự chỉ được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm là chưa đúng theo quy định tại Điều 32 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003.
Sau đó, Quyết định số 1875/QĐ-UB ngày 04/5/2012 của UBND TP Hà Nội xác định đơn giá thu tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê đất 50 năm theo phương pháp thặng dư nhưng các tài sản so sánh không có đặc điểm tương tự với tài sản thẩm định; chưa dự kiến và tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá thị trường để ước tính mức giá dự án cho phù hợp với thực tế; giá bán sử dụng trong doanh thu phát triển chỉ là giá cá biệt của tài sản so sánh mà không phải là giá bình quân là không đúng với điểm b khoản 4 Mục I Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (này là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Như vậy, Thanh tra Chính phủ xác định việc cơ sở nhà đất tại 16-18 Phan Chu Trinh đã được Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự thực hiện góp vốn không đúng quy định; Bộ GTVT chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần khi chưa có ý kiến của các bộ, ngành; UBND TP Hà Nội thu hồi đất, giao đất, xác định tiền sử dụng đất chưa đúng theo quy định.
Kết luận Thanh tra đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất để truy thu về ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp với Bộ GTVT kiểm tra, rà soát các thủ tục góp vốn liên doanh, liên kết, chuyển nhượng dự án 16 – 18 Phan Chu Trinh.