Nỗ lực nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên

Khôi Nguyên | 22/06/2022, 12:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 22/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã đồng chủ trì hội thảo công bố báo cáo về sức khỏe tâm thần của học sinh.

Cần những giải pháp cụ thể

Tiến sĩ Amie Pollack đưa ra một vài đề xuất tại hội thảo.

Tham gia góp ý với hội thảo thông qua hình thức trực tuyến, Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Amie Pollack đến từ Mỹ cũng đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất với các cơ quan hữu trách của Việt Nam cũng như UNICEF để thúc đẩy sức khỏe tâm thần của học sinh ở lứa tuổi vị thành niên.

Đối với ngành Giáo dục, cần thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh; loại bỏ việc sử dụng kỷ luật thể chất trong trường học. Thúc đẩy sự tham gia và kết nối cả học sinh với trường học, giảm áp lực học tập. Thầy cô cần dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết cho sức khỏe tâm thần tích cực và sự phát triển toàn diện.

Với ngành Y tế, bà Amie Pollack khuyến nghị cần xây dựng nguồn nhân lực; đào tạo nhân viên y tế trường học những kiến thức cơ bản về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa Sở Y tế và Sở GD&ĐT. Với UNICEF, cần lồng ghép các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên vào các chương trình liên quan của mình; xây dựng bộ công cụ sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho các nhóm liên quan để hỗ trợ trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên là ưu tiên quan trọng của Bộ GD&ĐT và nhiều cơ quan hữu quan khác.

Chia sẻ tại chương trình, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên là một trong những ưu tiên của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Đây là một nghiên cứu rất hay, đúng và trúng, nhất là giai đoạn vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Số lượng trẻ bị mắc chứng rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm, căng thẳng có xu hướng gia tăng. Bộ GD&ĐT luôn nhìn nhận thấu đáo về vấn đề này.

Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1660 về chăm sóc sức khỏe học đường. Trong đó, có đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần của đối tượng trẻ vị thành niên. Những khuyến nghị có trong báo cáo tóm tắt cũng như từ phía các chuyên gia đều rất xác đáng và có giá trị. Sức khỏe tâm thần là vấn đề cần phải coi trọng để xóa đi những phân biệt đối xử, mặc cảm của những em có dấu hiệu tổn thương tinh thần.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Bộ GD&ĐT đang dự thảo chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của chương trình là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe tâm thần cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên y tế trường học, cán bộ tư vấn tâm lý trong các nhà trường.

"Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp dự phòng để phát hiện sớm các nguy cơ gây ra rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học cho học sinh. Trong thời gian qua, UNICEF Việt Nam đã có những góp ý trực tiếp cho chúng tôi để thực hiện chương trình này. Hi vọng với sự đóng góp của các chuyên gia, đơn vị, chương trình sẽ được hiện thực hóa một cách thành công" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết thêm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach/no-luc-nang-cao-suc-khoe-tam-than-cho-tre-vi-thanh-nien-VS9sKS37R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach/no-luc-nang-cao-suc-khoe-tam-than-cho-tre-vi-thanh-nien-VS9sKS37R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên