Nơi lớp học bị gián đoạn bởi chiến tranh

Vân Huyền | 15/05/2022, 08:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ ngày 24/2, hơn một nửa số trẻ em của Ukraine đã phải rời khỏi nhà do chiến tranh. Đây là một trong những thảm họa gây gián đoạn cuộc sống của trẻ em một cách nghiêm trọng nhất, kể từ Thế chiến thứ hai.

Dima - người đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine  cùng mẹ, tham dự lớp học trực tuyến từ Ruscova (Romania).Dima - người đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine cùng mẹ, tham dự lớp học trực tuyến từ Ruscova (Romania).

Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn nỗ lực để trẻ được tiếp cận với giáo dục.

Đề cao giáo dục

Aaron Greenberg - Cố vấn cấp cao về Bảo vệ Trẻ em khu vực châu Âu và Trung Á - cho biết, hai tháng chiến tranh ở Ukraine đã khiến hàng trăm trẻ em thiệt mạng và bị thương. Trước chiến tranh, Ukraine là quốc gia có số lượng trẻ em được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục cao nhất trên khắp châu Âu. Có hơn 90.000 trẻ em sống trong các viện, trại trẻ mồ côi, trường nội trú và cơ sở chăm sóc khác. Gần một nửa trong số đó là trẻ em khuyết tật. Tác động của chiến tranh đối với những đứa trẻ này đặc biệt tàn khốc. Hàng chục nghìn trẻ em sống trong các cơ sở chăm sóc hoặc nuôi dưỡng đã được trả về gia đình. Nhiều người chưa nhận được sự chăm sóc và bảo vệ mà họ cần, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.

Đó là một buổi sáng như thường lệ và môn Tiếng Anh lớp 5 của cô giáo Hanna Kudrinova được bắt đầu trên Google Meet. Giống như rất nhiều giáo viên ở khắp mọi nơi, Kudrinova bắt đầu bằng việc kiểm tra tâm trạng học sinh.

Cô yêu cầu học sinh bật camera và biểu thị ngón tay cái nếu họ vui, đưa ngón tay xuống nếu buồn. Hôm nay, Maksym Radzievsky - một cậu bé có khuôn mặt tròn và mặc chiếc áo sơ mi sọc - chia sẻ đang cảm thấy mệt mỏi.

Bởi, cậu đang ở Munich (Đức) - nơi có múi giờ sớm hơn Ukraine. Vì vậy, cậu bé phải bắt đầu tham gia lớp học lúc 7 giờ 30 phút. Các học sinh khác đang ngáp, trong khi một học sinh vẫn quấn chăn.

Còi báo động của cuộc không kích đã vang lên vào đêm hôm trước tại thị trấn nhỏ gần Odessa - nơi tất cả họ từng sống và học tập dưới sự hướng dẫn của Kudrinova. Giờ đây, các học sinh của cô đang sống rải rác khắp nơi. Một số vẫn ở Ukraine. Trong khi đó, những học sinh khác ở Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, thậm chí là Canada.

Từ ngày 24/2, hơn một nửa số trẻ em Ukraine đã phải rời khỏi nhà do chiến tranh. Có ít nhất hai triệu người Ukraine phải tị nạn ở quốc gia khác. Song, con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng.

Đây là một trong những thảm họa gây gián đoạn cuộc sống của trẻ em một cách nghiêm trọng nhất, kể từ Thế chiến thứ hai. An toàn, nhà ở, thực phẩm và chăm sóc y tế là những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là một số gia đình vẫn nỗ lực để trẻ được tiếp cận với giáo dục.

Khi chiến sự nổ ra, Bộ Giáo dục Ukraine tuyên bố trẻ em sẽ nghỉ học hai tuần. Kể từ đó, việc giảng dạy được tiếp tục từ xa. Bộ cho biết, gần ba triệu em - phần lớn trẻ em trong độ tuổi đi học của đất nước, đã tham gia học trực tuyến, ít nhất là một chút. Quốc gia này thậm chí đang phát các video bài giảng trên truyền hình.

Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, thế giới dần quen với việc học từ xa. Ukraine hiện tập trung duy trì nền giáo dục phù hợp với triết lý mới về ứng phó với thiên tai.

Triết lý đã được tổng hợp dưới tên một quỹ đặc biệt của Liên Hợp Quốc: Giáo dục không thể chờ đợi. Quỹ này vừa công bố số tiền quyên góp 5 triệu USD để giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh với các dịch vụ học tập và chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Bà Yasmine Sherif - Giám đốc quỹ - cho biết: “Thường, khi gặp khủng hoảng nhân đạo, bạn sẽ ít ưu tiên giáo dục và tập trung vào nước uống cũng như nơi trú ẩn. Bởi, những yếu tố đó thường được cho là quan trọng hơn. Tuy nhiên, những gì chúng tôi thấy từ nhiều quốc gia đang gặp khủng hoảng là tình trạng đó sẽ kéo dài. Khủng hoảng có thể kéo dài 10, 20, 30 năm”.

Theo bà Sherif, khi không có trường học và hoạt động từ các tổ chức, sức khỏe tâm thần của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng. Trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, trẻ em có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.

Trẻ có thể trở thành những người lính, hoặc có nguy cơ bị buôn bán và gặp các hành vi lạm dụng khác. Bà Sherif nhấn mạnh, nếu không có trường học, trẻ em và hàng triệu thanh, thiếu niên sẽ không có ước mơ và hy vọng. Đồng thời, họ cũng không có khả năng xây dựng đất nước khi hòa bình trở lại.

“Níu giữ”điều bình thường

Một lớp học bị phá hủy ở làng Zelenyi Hai, miền Nam Ukraine.

Thật không dễ dàng khi giảng dạy trong thời chiến. Nữ giáo viên Hanna Kudrinova (23 tuổi) hiện là thành viên của “Teach For Ukraine” - một trong 61 tổ chức đối tác quốc tế độc lập của “Teach For All”. Khi chiến tranh bắt đầu, Kudrinova chạy trốn về phía Tây của đất nước.

Trong khi đó, gia đình cô bị mắc kẹt ở Mariupol - một trong những thành phố bị tàn phá nặng nề nhất ở Ukraine. “Điều đó thật kinh khủng đối với tôi. Tôi vừa lo lắng cho gia đình, vừa cố gắng dạy học”, nữ giáo viên chia sẻ. Gia đình cô đã sơ tán ngay khi chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, em gái 14 tuổi của Kudrinova hiện ở với cô.

“Teach For Ukraine” đã cung cấp cho Kudrinova và các nghiên cứu sinh khác một số khóa đào tạo nhanh về cách đối phó với những thách thức tâm lý của học sinh. Cô đã học cách kiểm tra tâm trạng học sinh hằng ngày và học một số bài tập thở.

Nhờ đó, nữ giáo viên có thể trấn tĩnh lớp học khi trẻ phải gián đoạn vì tiếng còi báo động không kích. Một số học sinh không thể tham dự mỗi ngày vì họ không ở nơi an toàn hoặc đang phải di chuyển.

Trong khi đó, nhiều học sinh phải đăng nhập vào lớp học bằng điện thoại của cha mẹ họ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, thói quen được học và nhìn thấy bạn bè qua Internet sẽ mang lại lợi ích cho học sinh.

Nếu không, trẻ hầu như bị mắc kẹt cả ngày trong nhà, xem TikTok hoặc chơi điện tử. “Ngay cả khi tôi không dạy toàn bộ chương trình bài giảng, thì thật tốt khi trẻ đang nói chuyện với tôi, hoặc tương tác với nhau... Điều đó có thể nhắc nhở chúng ta về điều gì đó bình thường”, nữ giáo viên chia sẻ.

Mang lại không gianan toàn cho trẻ

Những tấm bảng với trái tim cùng cờ Ukraine và Ba Lan tại một trường tiểu học ở Krakow (Ba Lan).

Ở các quốc gia như Ba Lan vàBulgaria, cũng như ở những vùng an toàn hơn của Ukraine, một số môi trường không chính thức tương tự các trung tâm học tập đã được thiết lập.

Tại đây, học sinh có thể đăng nhập vào các bài học từ xa với giáo viên và bạn bè. Đồng thời, trẻ cũng có thể chơi thể thao và thực hiện các hoạt động khác trực tiếp. Một số trung tâm này cũng cung cấp hỗ trợ cho các bà mẹ.

Ba Lan là quốc gia đã tiếp nhận hơn một triệu trẻ em từ Ukraine. Số lượng trẻ ngày càng nhiều hơn mỗi ngày. Một số trẻ vừa nhập học và đã đăng ký trực tiếp vào các trường ở Ba Lan, đặc biệt là ở các thị trấn nhỏ hơn.

Ba Lan cũng đang thiết lập các lớp học dành cho tất cả trẻ em và giáo viên Ukraine mới đến. Họ sẽ tuân theo chương trình giảng dạy Ukraine và được học bằng tiếng mẹ đẻ.

Bà Kasia Nabdralik - Giám đốc điều hành của “Teach For Poland” - một đối tác khác của “Teach for All” - cho biết: “Trong tuần đầu tiên, tất cả chúng tôi sẽ giúp đỡ họ về y tế, tìm nơi trú ẩn. Chúng tôi cảm thấy như thể: ‘Được rồi, trong một hoặc hai tuần nữa, mọi người sẽ bắt đầu nghĩ về giáo dục’.

Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng, đây có thể là mục đích của chúng tôi. Nhờ đó, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng, trường học là không gian an toàn cho những đứa trẻ này. Bởi, sự an toàn và ổn định là quan trọng nhất đối với chúng”.

Những nỗ lực hỗ trợ mang tính đặc biệt hơn, khi trẻ em Ukraine phải rời quê nhà do chiến tranh. Cách Odessa hai nghìn dặm, ở Dublin(Ireland), có một vài học sinh Ukraine mới đến trường của giáo viên PhilMcCarthy.

Anh được đào tạo về giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và là người phát ngôn của Hiệp hội Giáo viên Hỗ trợ Ngôn ngữ Anh của Ireland. Nam giáo viên được kêu gọi để giúp đỡ một học sinh mới đến.

Thầy McCarthy đã thiết lập cho giáo viên của đứa trẻ này một số phần mềm dịch thuật. Nhóm của anh cũng đã tổ chức một hội thảo trên web gần đây cho các giáo viên Ireland - những người muốn giúp đỡ học sinh từ Ukraine.

Hơn 1.000 người đã đăng ký. Tới nay, có hàng chục ngôn ngữ khác nhau được nói trong lớp học củaMcCarthy. Nam giáo viên cho biết, trường học của anh gần một trung tâm tiếp nhận ngắn hạn những người xin tị nạn tại sân bay Dublin.

Vấn đề giáo dục bị gián đoạn được cho là nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc chiến này. Bà Sherif cho biết, ước tính có khoảng 4,5 triệu trẻ em Ukraine phải di tản. Trong khi đó, trên toàn thế giới, có 128 triệu trẻ em và thanh, thiếu niên bị gián đoạn việc học do chiến tranh, thảm họa thiên nhiên và đại dịch.

Bà Sherif đã đề cập đến Afghanistan - nơi Taliban cấm các nữ sinh trên lớp 6 tới trường. Trong khi đó, chỉ 2 - 4% tổng số viện trợ nhân đạo dành cho giáo dục. Do đó, bà Sherif hy vọng, sự hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới có thể thay đổi vấn đề.

Nếu cần thiết, các lớp trực tuyến của Ukraine sẽ được tiếp tục đến cuối năm học. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là kỳ thi tuyển sinh trung học và đại học mùa xuân. Hiện tại, Hanna Kudrinova và các học trò của cô vẫn tiếp tục gặp nhau qua Internet.

Nữ giáo viên chia sẻ, cô không còn bận tâm đến việc phải tạm dừng việc giảng dạy của mình khi tiếng còi báo động của cuộc không kích vang lên gần ngôi nhà tạm thời ở Lviv.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/noi-lop-hoc-bi-gian-doan-boi-chien-tranh-fU9Va3lng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/noi-lop-hoc-bi-gian-doan-boi-chien-tranh-fU9Va3lng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi lớp học bị gián đoạn bởi chiến tranh