Một trong những điều quan trọng nhất của một biên kịch là phải được đào tạo một cách bài bản với những giáo trình tiên tiến nhất. Nhưng hiện nay, lấy ví dụ ở phía Bắc ai đó muốn đi học lớp Biên kịch sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thì có khả năng phải đợi 5 năm, thậm chí là 10 năm vì không phải năm nào, trường này cũng có thể tuyển sinh được một lớp biên kịch sân khấu.
5 năm, 10 năm là khoảng thời gian trung bình mà Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có thể mở được một lớp Biên kịch sân khấu với đầu vào khoảng 20 sinh viên và khi tốt nghiệp còn khoảng 1/2 số đó. Số làm được nghề, sống được với nghề còn ít hơn, với những nguyên nhân đã nói ở trên.
Tác giả Lê Công Phượng là một trong những người trẻ hiếm hoi viết kịch bản tuồng hiện nay. Anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, nhờ bén duyên với sân khấu nên cũng cầm bút tự học viết kịch bản tuồng.
Anh quan niệm: “Theo tôi, biên kịch sân khấu là nghề tự học. Nếu có đi học ở trường lớp thì cũng chỉ được đào tạo chung về phương pháp biên kịch, còn khi đi vào cụ thể thì điều kiện chính là niềm đam mê và sự tự học. Người viết kịch bản cần phải có vốn văn học, văn hóa cùng những hiểu biết về triết học, bên cạnh đó là sự trải nghiệm cuộc sống”.
Bằng cách đi xem biểu diễn, cái gì không biết thì hỏi, rồi về tự đọc giáo trình, tự học viết kịch bản, đến nay Lê Công Phượng đã viết được khá nhiều kịch bản tuồng, trong đó một vài kịch bản được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và đã được các đơn vị dàn dựng, công diễn.
Nếu chờ đợi khoảng 5 năm, hay 10 năm để được nuôi dưỡng ước mở trở thành biên kịch sân khấu, với một số người có thể nói: “Còn là may”. Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn không có khoa biên kịch sân khấu.
Tất cả những người đang sống bằng nghề biên kịch sân khấu tại phương Nam hầu hết trưởng thành bằng cách tự học, tự nghiên cứu. Nhiều người, để thực hiện ước mơ trở thành biên kịch sân khấu phải bằng lòng đi học lớp diễn viên, đạo diễn, hoặc trở thành sinh viên Khoa Văn học hay Khoa Biên kịch điện ảnh để lấy kiến thức viết kịch bản sân khấu. Điều này thực sự là một thiệt thòi vô cùng lớn cho những ai theo đuổi ước mơ trở thành nhà viết kịch.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh có một môi trường sân khấu khá năng động và hoạt bát. Dù khó khăn rất nhiều nhưng các sân khấu ở đây luôn tìm mọi cách để sáng đèn.
Các biên kịch sân khấu cũng thế, họ sống được bằng nghề do viết đủ các thể loại kịch bản, như kịch ngắn dành cho các hoạt động mang tính phong trào như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, dân số kế hoạch hóa gia đình, viết sitcom, kịch bản phim truyền hình, viết kịch bản cho các MV ca nhạc… Vì thế, tuy không có bằng cấp chính quy, nhưng một số tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh lại sống ổn với việc “chỉ toàn viết các loại kịch bản”.
Phạm Tân là một trong những tác giả như thế. Anh vốn học Khoa Diễn viên cải lương, rồi sau học thêm Khoa Đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và hiện đang sống bằng nghề biên kịch tự do. Anh từng nói vui, vì áp lực thu nhập, nên “chấp tất cả các loại kịch bản” từ MV ca nhạc, hài, sitcom, phim truyền hình đến sân khấu.
Ở lĩnh vực sân khấu, anh viết đa dạng từ đề tài lịch sử đến cận, hiện đại và tâm lý xã hội.
“Hiện ở TP Hồ Chí Minh chưa có chương trình đào tạo đại học chính quy về biên kịch sân khấu. Nếu có thì chỉ ở các trung tâm với chương trình đào tạo ngắn hạn. Song với tôi, những kiến thức đã học 7 năm tại Đại học Sân khấu Điện ảnh là vô cùng quan trọng với việc sáng tác.
Khi cần diễn tả tâm lý nhân vật, tôi tận dụng những lợi thế về diễn xuất đã học tại Khoa Diễn viên. Khi cần những thủ pháp về dàn cảnh, tôi sử dụng kiến thức được học tại Khoa Đạo diễn để kịch bản của mình tốt hơn”, tác giả Phạm Tân chia sẻ.
Việc học tập và trao đổi nghề nghiệp hiện nay chủ yếu trông chờ vào các trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức. Hiệu quả của những trại sáng tác có thể không được như mong ước của nhiều người, nhưng vẫn là cứu cánh, niềm an ủi duy nhất cho những người cầm bút viết kịch bản sân khấu.
Trước tình hình sân khấu khó khăn, nhu cầu dàn dựng mới của các nhà hát là không nhiều. Đấy là chưa kể sức sống của một kịch bản sân khấu tốt là rất lâu dài.
Nhiều nhà hát trên thế giới vẫn diễn các vở của nhà viết kịch William Shakespeare, Molie, Anton Sekhop… Có những sân khấu chỉ cần một vở diễn tốt, họ có thể sáng đèn suốt mấy chục năm. Ngay cả sân khấu Việt Nam cũng vẫn diễn những vở đã có tuổi đời cả nửa thế kỷ như của tác giả Xuân Trình, Lưu Quang Vũ…
Làm nghề biên kịch sân khấu và nhất là có thể sống được với công việc viết kịch bản sân khấu trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt cơm áo gạo tiền như hiện nay là không hề đơn giản. Chừng nào, những biên kịch sân khấu ở ta có thể vượt qua được những thách thức này thì sẽ có những tác phẩm sân khấu lôi cuốn đông đảo khán giả.
“Thiếu sót của đào tạo sân khấu miền Nam hiện nay là không có Khoa Biên kịch, dù nhu cầu của các bạn trẻ khá nhiều. Năm nào cũng có bạn đến hỏi về học biên kịch”. Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt