Nông dân ồ ạt bỏ lúa trồng sầu riêng: Phải đầu tư có chiều sâu, có nơi tiêu thụ

08/03/2023, 11:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo chuyên gia, việc phát triển cây sầu riêng phải theo chiều sâu từ đảm bảo chất lượng vùng trồng, đầu ra sản phẩm cho đến đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.

“Sở cũng mong muốn làm sao có đầy đủ thông tin về tổng nguồn cung sầu riêng để khuyến cáo. Thực ra năm 2014, huyện Phong Điền không có khuyến cáo trồng sầu riêng nhưng hiện nay, những người không nghe theo khuyến cáo đang bội thu vì giá sầu riêng mấy năm gần đây rất cao”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ thông tin. 

Nông dân ồ ạt bỏ lúa trồng sầu riêng: Phải đầu tư có chiều sâu, có nơi tiêu thụ - 2

Sầu riêng đang mang lại lợi nhuận hấp dẫn.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho rằng, với diện tích trồng sầu riêng hiện nay vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của các thị trường. Tuy nhiên, ngoài việc giữ vững vùng trồng đạt chuẩn, việc đảm bảo bản quyền về cây giống cần phải được quan tâm.

“Những giống sầu riêng của mình phần lớn là nhập không chính ngạch, nguồn gốc không rõ ràng, không có hồ sơ về tạo giống. Khi một số nước yêu cầu khi xuất sang nước họ đòi hỏi nguồn gốc giống rõ ràng thì lúc đó mình sẽ thua”, TS Bùi Thanh Liêm nhận định.

Phải đảm bảo sản phẩm làm ra có điạ chỉ tiêu thụ

Dưới góc độ nhà nghiên cứu kinh tế, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, việc đầu tư cho cây sầu riêng đòi hỏi vốn cao, trình độ kỹ thuật và đặc biệt là thời gian để cho ra trái thu hoạch lần đầu kéo dài 4 đến 5 năm. Chính vì thế, nếu chạy theo giá cả ở một thời điểm nào đó mà không đầu tư theo chiều sâu thì nông dân giống như đang “chơi một canh bạc”.

Nông dân ồ ạt bỏ lúa trồng sầu riêng: Phải đầu tư có chiều sâu, có nơi tiêu thụ - 3

Chỉ mới 5% diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng.

Hiện nay, chỉ mới 5% diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, điều này đòi hỏi các nhà vườn phải tính toán ngay ở giai đoạn đầu tư và phải có được chứng nhận về xuất xứ.

“Những mảnh vườn sầu riêng không có mã số vùng trồng. Những cơ sở chế biến, đóng gói kể cả sơ chế mà không được cấp giấy chứng nhận rất khó có thể xâm nhập các thị trường kể cả thị trường Trung Quốc hay các thị trường cấp cao như Mỹ, Nhật Bản”, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhận định.

Cũng theo tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, để được cấp mã số vùng trồng thì diện tích sầu riêng tối thiểu phải là 10ha, cho nên đòi hỏi nhà vườn phải liên kết với nhau thành hợp tác xã và gắn với các doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, bên cạnh việc đầu tư chế biến để đa dạng sản phẩm, việc phát triển các vùng trồng phải đảm bảo cân đối, gắn liền với hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics vào những cụm chế biến.

“Việc phát triển cây sầu riêng không phải là cái sai nhưng phải được tính toán trong một bài toán về cung cầu làm sao đảm bảo sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ. Nó đòi hỏi bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay chỉ nhìn ở lợi thế vùng trồng chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp phải tiêu thụ được và người nông dân có lời”, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nói. 

THANH TIẾN

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/nong-dan-o-at-bo-lua-trong-sau-rieng-phai-dau-tu-co-chieu-sau-co-noi-tieu-thu-ar746682.html
Copy Link
https://vtc.vn/nong-dan-o-at-bo-lua-trong-sau-rieng-phai-dau-tu-co-chieu-sau-co-noi-tieu-thu-ar746682.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân ồ ạt bỏ lúa trồng sầu riêng: Phải đầu tư có chiều sâu, có nơi tiêu thụ