Giáo dục

Nóng trong tuần: Đại hội thể thao HS Đông Nam Á; góp ý xây dựng Luật Nhà giáo

03/06/2024 06:37

Khai mạc Đại hội thể thao HS Đông Nam Á; góp ý xây dựng Luật Nhà giáo... là hai trong số thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á

Khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á và nhiều hoạt động liên quan đến sự kiện này đã diễn ra trong tuần qua. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai sự kiện thể thao này.

Tối 1/6, lễ khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN Schools Games - ASG) lần thứ 13 diễn ra tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng).

Đại hội quy tụ 1.300 vận động viên học sinh, huấn luyện viên từ 10 quốc gia trong khu vực; Việt Nam có 190 thành viên tham gia 6/6 bộ môn.

Điểm nhấn của chương trình khai mạc là Lễ diễu hành trọng thể của 10 đoàn thể thao: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam.

Cùng với tuyên bố khai mạc, ngọn lửa của Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thắp lên trên lễ đài. Ngọn lửa là biểu trưng cho sự nhiệt huyết của tuổi trẻ Đông Nam Á, đồng thời đề cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn – Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội cho biết: Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á là ngày hội thể thao lớn nhất dành cho học sinh trung học trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị quốc tế, sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia vì sự phát triển hài hòa giữa thể chất và tinh thần của học sinh, vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển.

Không chỉ là nơi tôn vinh tài năng thể thao, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 là cơ hội giao lưu, học hỏi và kết nối của học sinh từ 10 quốc gia ASEAN, đúng như tinh thần “Kết nối cùng toả sáng”.

Đoàn thể thao học sinh 10 nước Đông Nam Á tham dự Đại hội. Ảnh: Hoàng Vinh, Hà Nguyên.
Đoàn thể thao học sinh 10 nước Đông Nam Á tham dự Đại hội. Ảnh: Hoàng Vinh, Hà Nguyên.

Trước đó, sáng 1/6, Lễ thượng cờ các quốc gia tham dự Đại hội được trang trọng tổ chức tại Cung Thể thao Tiên Sơn để chào đón đoàn thể thao học sinh các nước đến tham dự Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á.

Sáng cùng ngày, Hội nghị trưởng đoàn các Đoàn thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 cũng đã được tổ chức. Tại hội nghị, các trưởng đoàn đã nghe đại diện Ban Tổ chức Đại hội báo cáo các vấn đề liên quan đến tổ chức, điều hành Đại hội; trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan.

Sáng 31/5, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị tổ chức ASG 13. Cùng dự có các thành viên Ban Tổ chức Đại hội.

Cũng trong sáng 31/5, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và các thành viên Ban Tổ chức ASG 13 đã đến Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) để kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc Đại hội.

Tối 30/5, cũng tại địa điểm này, với vai trò Trưởng Ban Tổ chức Đại hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã theo dõi, chỉ đạo buổi tổng duyệt lễ khai mạc Đại hội và chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm với các bên liên quan ngay sau khi kết thúc tổng duyệt.

Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13tổ chức lễ xuất quân vào chiều 30/5.

Đoàn Việt Nam tham dự Olympic Tin học Châu Á (APIO) năm 2024. Ảnh MOET.
Đoàn Việt Nam tham dự Olympic Tin học Châu Á (APIO) năm 2024. Ảnh MOET.

7/7 học sinh Việt Nam giành huy chương Olympic Tin học Châu Á 2024

Thông tin kết quả chính thức của Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Tin học Châu Á (APIO) năm 2024 do Trung Quốc đăng cai tổ chức được Bộ GD&ĐT công bố ngày 31/5.

Theo đó, cả 7/7 học sinh Việt Nam đều giành huy chương, gồm: 1 huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 6 toàn đoàn.

Huy chương Vàng duy nhất của đoàn Việt Nam thuộc về em Phạm Công Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

6 em giành Huy chương Bạc gồm: Em Phạm Ngọc Trung, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Em Nguyễn Tuấn Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Em Nguyễn Hữu Tuấn, học sinh lớp 10, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Em Nguyễn Tùng Lâm, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Thành phố Hải Phòng.

Em Hoàng Xuân Bách, học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Em Trần Gia Huy, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

15 thí sinh trong ngày thi thử tại hội đồng thi Trường Đại học Công nghệ ngày 17/5. Ảnh MOET.
15 thí sinh trong ngày thi thử tại hội đồng thi Trường Đại học Công nghệ ngày 17/5. Ảnh MOET.

Kỳ thi Olympic Tin học Châu Á lần thứ 18 được tổ chức từ ngày 18/5 đến ngày 19/5/2024 với sự tham gia của 35 đoàn thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ, với 286 thí sinh được đề xuất xét giải.

Qua đánh giá, đề thi APIO năm nay có tính cập nhật theo xu hướng theo Olympic quốc tế với những loại dạng bài mới như tương tác, truyền thông. Với mỗi bài thi Đoàn học sinh Việt Nam đều có thí sinh đạt điểm tối đa.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi gồm 15 thí sinh, thi trực tuyến tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo quy định của Ban Tổ chức Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được chọn 7 thí sinh đạt điểm cao nhất tham gia xét giải.

Kết quả chung toàn đoàn, Đội tuyển Olympic Tin học Việt Nam xếp thứ 6 sau các nước: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc),…. và khẳng định vị thế dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Dựa trên kết quả thi APIO sẽ lựa chọn 4 thí sinh tham dự Đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) năm 2024 tại Ai Cập từ ngày 1/9 đến ngày 8/9/2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo.

Hai hoạt động quan trọng góp ý dự thảo Luật Nhà giáo

Tiếp tục các hoạt động góp ý xây dựng Luật Nhà giáo, tuần qua hai sự kiện chuyên môn liên quan đến nội dung này được tổ chức.

Đó là hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra chiều 2/6 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT tổ chức và toạ đàm về đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 30/5.

Tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực.

Điểm khác biệt cơ bản của quản trị nguồn nhân lực so với quản lý nhân sự như hiện nay là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục.

Nguồn lực này bao gồm những nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ theo một hệ thống các quy định do ngành Giáo dục thực hiện, nhằm bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo với mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục.

Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng đồng thời chia sẻ, định hướng xây dựng Luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, lấy yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo.

Luật mới cũng sẽ hướng dẫn quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc...

Ngoài ra, trong tuần qua còn một số thông tin giáo dục được quan tâm như:Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, tặng quà học sinh Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em 2024; hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; vụ việc bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh tại Thái Bình.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-dai-hoi-the-thao-hs-dong-nam-a-gop-y-xay-dung-luat-nha-giao-post685789.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-dai-hoi-the-thao-hs-dong-nam-a-gop-y-xay-dung-luat-nha-giao-post685789.html
Bài liên quan
Nóng trong tuần: Quy chế tuyển sinh THCS và THPT
Ban hành Quy chế tuyển sinh THCS, THPT; Bộ GD&ĐT tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 là tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Đại hội thể thao HS Đông Nam Á; góp ý xây dựng Luật Nhà giáo