Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Công điện về việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh và ứng phó với nắng nóng tại cơ sở giáo dục. Công điện được ban hành trong bối cảnh các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có đợt nắng nóng kéo dài, tại một số khu vực nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, sắp xếp bố trí thời khóa biểu hợp lý; trong đó ưu tiên bố trí khung thời gian đầu giờ sáng để tổ chức dạy các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài trời đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Không bố trí tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa trong thời điểm nắng nóng gay gắt.
Các cơ sở giáo dục cần tổ chức rà soát, sửa chữa, bổ sung, thay thế các thiết bị điện đã hỏng tại phòng học; tăng cường che chắn hướng nắng của các phòng học vào buổi trưa hoặc buổi chiều; mở cửa sổ để thông thoáng nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn trong lớp học. Các cơ sở giáo dục tăng cường nước uống đảm bảo vệ sinh an toàn cho giáo viên, học sinh tại lớp học.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục phối hợp với ngành điện cung ứng đẩy đủ, kịp thời nguồn điện cho các trường học, đặc biệt là trường mầm non, trường tiểu học có học sinh nội trú, bán trú. Phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bản thân, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và phòng chống dịch bệnh trong các ngày nắng nóng.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo họp phiên lần thứ nhất. Ảnh: Thế Đại. |
Chiều 16/5, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo họp phiên lần thứ nhất.
Tại phiên họp đầu tiên, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi, cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29; dự thảo đề cương Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 do Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT - đơn vị được giao chủ trì tổng kết chuẩn bị.
Các trao đổi, thảo luận cơ bản nhất trí với định hướng chung và thống nhất với các dự thảo, đồng thời bổ sung một số đề xuất liên quan tới việc tổ chức hội thảo, hội nghị, xây dựng chuyên đề, tổ chức khảo sát... phục vụ cho hoạt động tổng kết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã có những chỉ đạo cụ thể liên quan đến thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ; ban hành công văn hướng dẫn các địa phương; xây dựng hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, dự thảo đề án cho giai đoạn tiếp theo; kế hoạch khảo sát…
Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Sỹ Điền. |
Ngày 17/5, Đảng uỷ Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và học tập chuyên đề năm 2023.
Nội dung của buổi làm việc xoay quanh đánh giá kết quả thực hiện kết luận trong thời gian qua; trao đổi về học tập và làm theo Bác; ghi nhận và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thời gian qua để phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hoạt động thường xuyên, nề nếp, là động lực để thúc đẩy nhiệm vụ chính trị của bộ, của ngành.
Thứ trưởng đề nghị các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ giải pháp thiết thực. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho phù hợp, sát thực tế; đổi mới phương pháp, phong cách, tác phong làm việc; khắc phục những hạn chế, yếu kém...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp năm 2022 tại Hưng Yên. |
Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cụ thể, sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra: Công tác chuẩn bị thi, công tác coi thi, công tác chấm thi, công tác phúc khảo bài thi và công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong đó, với công tác chuẩn bị thi, Bộ GD&ĐT thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD&ĐT (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) theo 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Về thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia). Thời gian thanh tra theo lịch Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Với thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT thành lập 63 Đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT, mỗi Đoàn từ 3 đến 5 người do Bộ GD&ĐT điều động từ các sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo.
Với thanh tra, kiểm tra phúc khảo bài thi, Bộ GD&ĐT thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 sở GD&ĐT. Thành phần: 3 người/đoàn, là công chức Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT. Thời gian: Dự kiến 2 ngày/Sở GD&ĐT.
Về thanh tra, kiểm tra tuyển sinh năm 2023, Vụ Giáo dục Đại học chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra tất cả các khâu của công tác tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh; chuyển thông tin, kết quả có dấu hiệu sai phạm đến Thanh tra Bộ để xử lý theo quy định pháp luật.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu các nhà trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. |
Trong tuần qua, tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT đã công bố kế hoạch tuyển sinh vào các lớp mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6 năm học 2023 – 2024 của 30 quận, huyện, thị xã. Năm nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập thuộc thành phố Hà Nội vẫn áp dụng phương thức xét tuyển theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định để tuyển sinh học sinh trẻ 5 tuổi và tuyển sinh học sinh lớp 1, lớp 6.
Còn tại Vĩnh Phúc, điểm đáng chú ý trong hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2023 – 2024 là quy định cộng điểm ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh, Tin học quốc tế. Bên cạnh đó, hướng dẫn của sở còn yêu cầu về kết nối dữ liệu, sử dụng thông tin về dân cư của học sinh đăng ký tuyển sinh. Không yêu cầu học sinh nộp hoặc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận thông tin về cư trú…
Trong hướng dẫn tuyển sinh với lớp 1 năm học 2023 – 2024, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nhấn mạnh yêu cầu các nhà trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1. Cùng với đó là xây dựng giải pháp quan tâm đến đối tượng tuyển sinh là con công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong tuần qua cũng diễn ra một số sự kiện giáo dục đáng chú ý như Hội thảo Xây dựng và Khai thác sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong cơ sở giáo dục mầm non; Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục...