Nóng trong tuần: Kế hoạch tuyển sinh ĐH, diễn đàn hiệu trưởng ĐH Việt-Nga

22/04/2024, 06:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ban hành kế hoạch tuyển sinh ĐH; Diễn đàn hiệu trưởng ĐH Việt-Nga; sôi nổi hoạt động ngày Sách và văn hóa đọc là hoạt động giáo dục nổi bật tuần qua.

Ban hành kế hoạch tuyển sinh ĐH, CĐ ngành Giáo dục mầm non 2024

Ngày 15/4, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1139/QĐ-BGDĐT kèm theo kế hoạch về triển khai công tác tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành Giáo dục Mầm non năm 2024.

Theo kế hoạch, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17 giờ ngày 30/7.

Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

Chậm nhất ngày 21/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn với khối ngành sức khỏe và sư phạm. Thời gian xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13/8 đến 17 giờ ngày 17/8.

Trước 17 giờ ngày 19/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1, sớm hơn so với năm ngoái 3 ngày. Đến 17 giờ ngày 27/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến.

Căn cứ kế hoạch được ban hành, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của cơ sở đào tạo, trong đó phải đảm bảo thống nhất với Kế hoạch chung và được công khai, minh bạch, để xã hội, cơ quan quản lý giám sát; đảm bảo công bằng đối với tất cả các thí sinh tham gia dự tuyển.

Thí sinh được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, chính xác, nhất quán, đúng thời gian để có quyết định lựa chọn theo nhu cầu. Thí sinh được cung cấp thông tin chuẩn xác, hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ 2.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ 2.

Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang Nga năm 2024

Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ 2 là hoạt động trọng tâm chuyến công tác của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác Bộ GD&ĐT tại Liên bang Nga từ 16 đến 18/4.

Diễn đàn được tổ chức tại Trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp ngày 18/4, do Bộ GD&ĐT Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga, Hiệp hội các trường đại học Liên bang Nga tổ chức.

Diễn đàn có sự tham dự của 21 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 40 cơ sở giáo dục giáo dục đại học Liên bang Nga; là cơ hội để hai bên tiếp tục mở rộng mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở giáo dục đại học, góp phần cụ thể hoá và triển khai hiệu quả hơn nữa các cam kết hợp tác về giáo dục, đào tạo đã được ký kết giữa hai nước.

Trong khuôn khổ Diễn đàn có 30 văn bản hợp tác về nghiên cứu, đào tạo, trao đổi thông tin, học thuật, trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên, xây dựng và phát triển các chương trình,… được ký mới.

Tại diễn đàn cũng đã trao đổi về việc mở rộng Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật Nga-Việt và Hiệp hội các trường đại học Nga-Việt về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga.

Trước đó, ngày 16/4, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã có cuộc làm việc với ông Mô-ghi-lép-sờ-kyi K.I, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga và thăm một số các cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga.

Hai bên đã trao đổi về việc sớm ký mới Hiệp định về hợp tác giáo dục thay thế Hiệp định ký năm 2005; Hiệp định về thành lập và hoạt động của Trung tâm Puskin; gia hạn Hiệp định đào tạo công dân Việt Nam tại Nga đến năm 2030.

Cũng trong ngày 16 và 17/4 đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã thăm và làm việc với một số cơ sở giáo dục đại học Liên bang Nga gồm: Trường Đại học Kinh tế cao cấp, Trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia Hàng không Mát-xcơ-va, Trường Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga, Trường Đại học Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Nga mang tên N.I. Pirogov.

Đoàn cũng đã tham dự Diễn đàn các trường đại học và tương lai - diễn đàn này có sự tham gia của các trường đại học đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Oman, Liban, Hy Lạp, Ấn Độ… và thăm triển lãm thành tựu của nền kinh tế quốc dân Nga (VDNKh).

Ngoài ra, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT còn gặp gỡ, trao đổi với đại diện các du học sinh Việt Nam đang học tập tại Liên bang Nga diện Hiệp định để khảo sát tình hình học tập, sinh hoạt, giải đáp thắc mắc cho du học sinh. Qua đó có nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý du học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cùng đoàn đại biểu tham quan một số hình ảnh trưng bày các hoạt động theo chiều dài lịch sử của trường Hữu nghị T78.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cùng đoàn đại biểu tham quan một số hình ảnh trưng bày các hoạt động theo chiều dài lịch sử của trường Hữu nghị T78.

Liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục, ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã tham dự Lễ mừng năm mới Bunpimay của lưu học sinh Lào.

Tham dự buổi lễ có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Khăm Phao Ơn Tha Vanh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Nông Thị Hà; cùng đại diện lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, Ủy ban dân tộc, Bộ Công an và thành phố Hà Nội.

Dịp này, Thứ trưởng đã trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm lại Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã tiếp Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã tiếp Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.

Ngày 19/4, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã tiếp Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cùng đoàn đánh giá ngoài của Hiệp hội Giáo dục Đại học New England (NECHE).

Ngành Giáo dục hưởng ứng các hoạt động ngày Sách và văn hóa đọc

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến 1/5. Tuần qua, ngành Giáo dục đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hưởng ứng ngày này theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, nhiều địa phương, nhà trường đã tổ chức các cuộc thi, hội thi, trò chơi, giao lưu, hội thảo, nói chuyện, tọa đàm tìm hiểu về sách; các cuộc thi đọc sách, thi bình sách; giới thiệu các kỷ lục về sách; trao tặng sách, đấu giá sách; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành thư viện cho cán bộ thư viện trường học.

Có nơi phát động phong trào luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học; khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Thái Nguyên đa dạng các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hoá đọc. Ảnh Khánh Linh.
Thái Nguyên đa dạng các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hoá đọc. Ảnh Khánh Linh.

Đặc biệt, dịp này các nhà trường tăng cường hoạt động thư viện trường học, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện.

Đơn cử, tại Hà Tĩnh, trong lễ phát động Ngày sách và Văn hóa đọc diễn ra ngày 12/4 tại Trường Tiểu học Lâm Hợp (xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh), Sở Thông tin và truyền thông, Thư viện tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân, đơn vị đã trao tặng nhiều tủ sách với nhiều đầu sách ý nghĩa nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh tại các xã miền núi vùng sâu vùng xa.

Tại Thái Nguyên, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc của tỉnh được tổ chức tại trường THPT Tức Tranh với nhiều hoạt động phong phú: Thi giới thiệu sách với chủ đề: “Cuốn sách tôi yêu"; thi “Không gian trưng bày sách và xếp sách nghệ thuật”; tổ chức phục vụ bạn đọc bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện; tặng sách hỗ trợ sách xây dựng thư viện trường học.

Thừa Thiên Huế, hoạt động nổi bật hưởng ứng ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam là lễ tổng kết cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc giai đoạn 2019 - 2022 và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến 2023.

Nhiều thí sinh cũng đã tìm tòi, chia sẻ những cuốn sách có đề tài mới, mang tính thời sự và gắn với chủ đề “Huế - miền di sản tôi yêu” thông qua đó thấy thêm trách nhiệm, sự yêu thích của các em đối với sách và những giá trị văn hóa, di sản Huế, phát triển văn hóa đọc, với công cuộc bảo tồn di sản.

Giá trị của các bài thi không chỉ dừng lại trong khuôn khổ cuộc thi mà còn trở thành nguồn thông tin quý giá để giới thiệu hàng nghìn cuốn sách hay, bổ ích về di sản văn hóa Huế đến được với đông đảo độc giả, người yêu sách trong cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Kế hoạch tuyển sinh ĐH, diễn đàn hiệu trưởng ĐH Việt-Nga