Nóng trong tuần: Phát triển nhân lực công nghệ bán dẫn; công bố dự thảo chọn SGK

23/10/2023, 07:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về phát triển nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn, công bố dự thảo lựa chọn sách giáo khoa là vấn đề nóng tuần qua.

Đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành chip bán dẫn

Ngày 19/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở GDĐH Việt Nam tại Đại học Đà Nẵng, TP Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước, quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng chip bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư, yêu cầu, kỳ vọng và người học có lương cao. Tuy nhiên, việc đào tạo phải gắn với tinh thần là chất lượng cao. Cần thống nhất một điều “câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chồng chất phía trước”. Công tác tuyển sinh, đào tạo phải dựa trên sự phân tích các dữ liệu có liên quan và phải có kế hoạch, lộ trình, bài bản và chắc chắn.

Các trường cần có giải pháp đột phá. Các cơ sở giáo dục đại học cần phát triển cả nghiên cứu và đào tạo. Phải hướng đến tư duy toàn cầu, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (trái) và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tham dự hội thảo. ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (trái) và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tham dự hội thảo.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng khẳng định Bộ sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm, ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo. Bộ cũng sẽ chuẩn bị về thể chế, luật chơi, cái gì làm được sẽ làm ngay và trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này. Các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt nhưng phải đảm bảo niềm tin về chất lượng.

Trong khuôn khổ hội thảo, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết Biên bản hợp tác liên minh.

Theo Bộ trưởng, cần tăng cường chia sẻ và dùng chung, tăng cường cả các chương trình liên kết với nước ngoài, tăng cường chia sẻ doanh nghiệp về chỗ thực tập, thực hành, đóng góp. Doanh nghiệp tăng cường đặt hàng để đào tạo chắc chắn ngay từ đầu, tránh việc phải đào tạo lại.

Tại hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đã trình bày tham luận với các chủ đề xuất phát từ nhu cầu đào tạo ngành công nghiệp chip bán dẫn. Đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan cũng chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ đào tạo và kinh nghiệm hợp tác đào tạo.

Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. ảnh 2
Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự thảo quy định mới về lựa chọn sách giáo khoa

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Khi ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Theo dự thảo, 2 tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa gồm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (Hội đồng) do do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 1 Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.

Về quy trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, trước tiên là tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục. Sau đó Phòng GD&ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Sở GD&ĐT tổ chức thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định; rà soát báo cáo của các Phòng GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án Đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030. ảnh 3
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án Đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030.

Đầu tư đẩy mạnh tự chủ đại học

Chiều 19/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024 – 2030. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện Hội đồng trường, Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu các đại học, trường đại học công lập và ngoài công lập.

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục đại học, quan điểm của đề án là đầu tư cho GDĐH và đầu tư vào các cơ sở GDĐH là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, mang lại hiệu quả cao, lợi ích lớn và lâu dài cho người học, gia đình và toàn xã hội. Tăng nguồn lực đầu tư cho GDĐH là tất yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu; là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội.

Nhiệm vụ của đề án là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của cơ quan QLNN và XH đối với cơ sở GDĐH; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính Đại học…

Trong đó, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính ĐH sẽ gồm 6 nhiệm vụ: Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) cho GDĐH đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng; Tăng cường hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho GDĐH, Đổi mới chính sách hỗ trợ tài chính cho SV; Huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân phát triển GDĐH; Hoàn chỉnh chính sách học phí và giá dịch vụ giáo dục đào tạo; Đổi mới quản trị tài chính của các cơ sở GDĐH;

Nâng cao năng lực cơ sở GDĐH sẽ đa dạng hóa nguồn thu cho CSGDĐH từ hoạt động dịch vụ, NCKH, chuyển giao CN...) để tăng nguồn tài chính cho hoạt động của CSGDĐH.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, tự chủ đại học là xu thế tất yếu của Đại học. Lần này Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao soạn thảo đề án về tự chủ Đại học năm 2024-2030, đề án sẽ phân tích rõ về những năm qua đã triển khai, kết quả đạt được, đi sâu vào điểm nghẽn, những gì đang cản trở sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Những đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết thì Bộ GD&ĐT sẽ sớm xử lý, những gì không thuộc thẩm quyền thì Bộ sẽ kiến nghị đề xuất.

Chấn chỉnh hành vi xuyên tạc nội dung sách giáo khoa

Tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bắn Tung Toé, Bạn An Dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó...

Bộ GD&ĐT đã khẳng định đây là những nội dung không có trong sách giáo khoa hiện hành được thực hiện tại các nhà trường. Bộ GD&ĐT cho biết đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc.

Bài liên quan
Nhiều học sinh "ám ảnh" với nhà vệ sinh trường học, Bộ GD&ĐT chỉ đạo nóng
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Phát triển nhân lực công nghệ bán dẫn; công bố dự thảo chọn SGK