Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực. Đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.
“Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định, việc áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay” – bà Thủy nhấn mạnh.
Hiện nay, Hệ thống đang tiếp tục hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung. Tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ GDĐT ghi nhận, phân tích, để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết: Quá trình quốc tế hoá và chuẩn hoá chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và có thứ hạng cao trong các danh sách những trường đại học hàng đầu của khu vực Châu Á và thế giới..
Ngày 29/9, tại Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã diễn ra Triển lãm giáo dục đại học Việt Nam. Đây là sự kiện giáo dục được tổ chức trong năm đoàn kết hữu nghị, chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước.
Triển lãm giáo dục đại học Việt Nam đã thu hút hơn 1300 học sinh lớp 12 của 12 trường THPT tại Viêng Chăn đến tham dự, tìm hiểu thông tin. Ngoài ra, còn có đại diện 17 sở GD&ĐT của các tỉnh/thành phố, các trường đại học và một số doanh nghiệp Lào, Việt Nam tại Lào tham dự triển lãm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. |
Với sự góp mặt của gần 40 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại triển lãm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Triển lãm Giáo dục Việt Nam - Lào 2022 là cơ hội để giúp các bạn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo quốc tế Lào tiếp xúc, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội học bổng cũng như cơ hội hợp tác với các trường đại học của Việt Nam.
Tuần qua, Bộ GD&ĐT phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022. Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - cho biết: “Để phát triển nền giáo dục hiện tại và trong tương lai, xây dựng xã hội học tập là nền tảng, cốt lõi. Trong đó, học tập suốt đời vừa là phương châm, giải pháp, mục tiêu của sự nghiệp giáo dục. Vì thế, xây dựng xã hội học tập tạo cơ hội học tập suốt đời đang là xu thế tất yếu; mục tiêu mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Lễ phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, từ xa xưa, dân tộc ta luôn coi trọng việc học, coi học tập thường xuyên, suốt đời là nền tảng cho sự phát triển bền vững, nguồn gốc của mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm kể từ khi nước ta giành độc lập tới nay.
Sau sự kiện của Bộ, đồng loạt các địa phương cũng tổ chức phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022, điển hình như: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh… Hầu hết các địa phương đều lựa chọn chủ đề xoay quanh nội dung: thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, ngày 2/10/2011, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời lần đầu tiên được tổ chức và phát động với chủ đề “Học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thành công” .