Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non được tổ chức sáng 20/10
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, Nghị định 105 là một văn bản quan trọng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao, các địa phương tích cực tham mưu và triển khai thực hiện; đã có nhiều cách làm, phương pháp để thực hiện Nghị định này.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030”, Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Đặc biệt, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ nhà giáo, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tình yêu thương đối với trẻ thông qua các chương trình, đề án và xây dựng nguồn tài liệu trực tuyến để các địa phương khai thác, sử dụng.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng đưa ra những đề nghị với lãnh đạo địa phương nhằm phát triển giáo dục mầm non.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 17/10. |
Tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng có những chia sẻ xung quanh triển khai đổi mới giáo dục tại cuộc làm việc giữa Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về (ngày 17/10) và tại phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (ngày 19/10).
Trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022, dự kiến kế hoạch công tác năm 2023, việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ một số việc ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Trong đó có việc: Triển khai bình thường, đúng lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh không bình thường; đổi mới với mục tiêu lớn nhưng điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn; đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo hướng tăng cường công khai, công bằng,…,
Chia sẻ về một số việc lớn trong năm học 2022-2023, Bộ trưởng mong muốn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tiếp tục thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành với Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục trên tinh thần khẳng định những việc đã làm được, khẳng định sự đúng hướng của quá trình đổi mới và kiên định định hướng này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề cập tới một số việc quan trọng khác ngành Giáo dục cần sự hỗ trợ và đề xuất từ phía Ủy ban như: Bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20%; các địa phương thực hiện tốt phân cấp trách nhiệm, ráo riết trong việc chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học; chuẩn bị các bước đầu tiên trong quy trình xây dựng Luật Nhà giáo…
Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. |
Tại phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã có những chia sẻ về khó khăn và nỗ lực của ngành Giáo dục khi triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và việc tái thiết giáo dục thời kỳ hậu Covid-19.
Bộ trưởng đồng thời đề cập tới việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhấn mạnh đó là một cuộc cách mạng trong giáo dục, với mục tiêu, cách thức tổ chức, sự tác động… khác hoàn toàn so với những lần đổi mới trước. Trong đó, tính phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; giữa Bộ GD&ĐT, các sở ngành và các địa phương được thực hiện mạnh mẽ trong lần đổi mới này.
Với nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong rằng, sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự thấu hiểu, hỗ trợ, đồng hành từ Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Trong đó có việc giám sát và thúc đẩy trách nhiệm của địa phương, Bộ, ngành liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Có những ý kiến khác nhau về giờ vào học của học sinh. |
Tuần qua, một trong những nội dung giáo dục được dư luận quan tâm liên quan đến giờ vào học của học sinh. Theo phản ánh, hiện nhiều trường học ở TP. Hồ Chí Minh cho học sinh vào học khá sớm. Nhiều trường yêu cầu học sinh phải có mặt từ lúc 6h45 khiến học sinh và phụ huynh rất vất vả đáp ứng.
Liên quan đến vấn đề này, có những ý kiến khác nhau. Theo đó, một bộ phận ý kiến cho rằng giờ học nói trên là không hợp lý. Việc đến quá sớm khiến trẻ mệt mỏi, thời gian nghỉ quá ít dẫn đến việc ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Trong khi đó, một bộ phận khác dù nhận thấy giờ học sớm nhưng vẫn ủng hộ vì nếu lùi giờ học, phụ huynh sẽ bị trễ giờ làm cũng như không ai đưa đón con đi học....
Lãnh đạo một số phòng giáo dục và trường học cũng cho rằng việc lùi giờ học là khó có thể thực hiện. Việc quy định giờ học của học sinh hiện nay căn cứ vào các yếu tố xã hội, dân cư, đặc trưng, đặc thù của từng địa phương. Thêm vào đó là yếu tố lệch giờ, lệch ca để hạn chế ùn tắc, kẹt giờ, kẹt xe, trật tự an toàn giao thông vào giờ cao điểm…
Liên quan đến nội dung này, một số báo chí tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Theo đó, việc thay đổi giờ vào học đã được nhiều nước áp dụng. Ngay trong khu vực, nước có nền giáo dục phát triển như Singapore cũng áp dụng lệch giờ vào học so le giữa các cấp học theo cách hài hòa giữa nhà trường, phụ huynh và quan trọng là đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
|
Dự thảo: Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên
Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên; một trong những điểm đáng chú ý là quy định “không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”. Đây cũng là nội dung các phương tiện truyền thông quan tâm đăng tải trong tuần qua.
Góp ý cho dự thảo, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình. Có ý kiến cho rằng, mục tiêu của trường chuyên là tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, tư duy độc lập và sáng tạo nhằm tạo nguồn phát triển nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Các lớp không chuyên trong trường chuyên tồn tại chỉ một phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; phần khác nhằm thỏa mãn tâm lý “đề cao trường chuyên” của phụ huynh. Việc tồn tại các lớp không chuyên vô hình trung đã không đúng với tôn chỉ mục tiêu của trường chuyên. Học sinh lớp không chuyên có thể học tập tại các trường THPT khác phù hợp với phẩm chất, năng lực cá nhân; tránh áp lực, quá tải, giúp các em phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nên có lớp không chuyên trong trường chuyên. Cơ sở vật chất, đội ngũ… của trường chuyên được quan tâm đầu tư, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy các lớp không chuyên; nếu chỉ dạy lớp chuyên với số lượng học sinh khá ít sẽ lãng phí...
Ngày 22/10, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Theo thông tin của tổ chức xếp hạng đại học thế giới QS, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giành được giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement). Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này.
Chứng nhận giành giải thưởng sẽ được trao cho Đại học Quốc gia Hà Nội tại QS Higher Ed Summit: Asia Pacific lần thứ 20, Indonesia, diễn ra từ ngày 8 đến 10/11 tới.