Hé lộ thương vụ bán vốn tỷ USD của BIDV, Vietcombank
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), BIDV đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư trong thời gian qua để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần, theo nghị quyết tại đại hội cổ đông năm 2022.
BVSC dự kiến, giá phát hành trong thương vụ này có mức P/B cao gấp 2 lần so với định giá trong thương vụ bán cho KEB Hana Bank vào cuối năm 2019. Với mức P/B là 2 lần, giá phát hành sẽ tương đương 48.036 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng, việc hoàn tất thương vụ có thể kéo dài đến năm 2025 do các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro và chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Một ngân hàng khác cũng đang xúc tiến kế hoạch bán vốn là Vietcombank. Ngân hàng này đã chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Đợt chào bán này có thể diễn ra trong nửa cuối năm nay, dự kiến thu về được khoảng 1 tỷ USD (tương đương 24.450 tỷ đồng).
Theo Chứng khoán Vietcap, giá bán kỳ vọng cho thương vụ của Vietcombank là 100.000 đồng/cổ phiếu.
Chính phủ yêu cầu khẩn trương thanh tra thị trường vàng
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hồi cuối tháng 2 về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.
Cùng với đó là việc giám sát, thanh kiểm tra với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Mục tiêu là nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Các nhiệm vụ này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.