Liên quan đến vấn đề pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng hành vi của bảo mẫu C. hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này, đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường phân tích trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy người phụ nữ này nhận thức được hành vi của mình có thể làm tổn thương não của cháu bé, hành vi có thể dẫn đến chết người, nhưng do bực tức mà đã nhẫn tâm thực hiện hành vi hành hạ cháu bé, hậu quả khiến cháu bé tổn thương nghiêm trọng về não, thì có thể xử lý về tội Giết người. Ngoài ra có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy nữ bảo mẫu không có động cơ, mục đích giết người, hành vi không thể dẫn đến chết người, thì hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em, nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội Hành hạ người khác.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 31-5, anh N.V.B. (31 tuổi, trú tại căn hộ chung cư tầng 23 thuộc khu HH Linh Đàm) đến Công an phường Hoàng Liệt trình báo nghi vấn con gái anh mới 1 tháng tuổi, bị người giúp việc V.K.C. bạo hành (mẹ cháu bé do bị ốm nên ngủ ở phòng ngoài với người giúp việc còn lại).
Theo đó, ngày 31-5, anh B. xem camera tại phòng ngủ của con thì phát hiện khoảng hơn 2 giờ ngày 31-5, trong khi ở phòng ngủ một mình với bé gái, cùng với việc bế nựng, nữ giúp việc V.K.C. đã có hành vi bế và lắc, rung cháu bé, khiến bé khóc to. Lo lắng sức khỏe của con mình và bức xúc sự việc, anh B. đã đến cơ quan công an trình báo.