Gương sáng

Nữ sinh Khơ Mú ước mơ thành người "gieo chữ"

23/05/2025 15:44

Nữ sinh người Khơ Mú ở vùng biên giới xã Pa Thơm nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn để giúp trẻ nghèo vùng khó được đến trường...

Tuổi thơ thiếu thốn tình thân, sống nhờ họ hàng, nhưng Lò Thị Hương - nữ sinh người Khơ Mú ở vùng biên giới xã Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vẫn nỗ lực học giỏi, nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn để giúp trẻ nghèo vùng khó được đến trường.

Vượt lên nghịch cảnh

Lò Thị Hương đang học lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Pa Thơm. Đây cũng là nơi hằng ngày bồi đắp cho giấc mơ làm cô giáo của cô trò nhỏ.

Hương có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, nhưng ít ai biết phía sau nụ cười hiền lành của em là cuộc đời nhiều nỗi buồn và nước mắt. Từ khi lọt lòng, Hương đã thiếu vắng hơi ấm của cha mẹ bởi hoàn cảnh éo le riêng. Không nơi nương tựa, Hương được bác họ cưu mang. Tuy nhiên, bác đã tuổi cao, lại mang bệnh, gia cảnh nghèo khó nên việc nuôi Hương ăn học trở thành gánh nặng.

Sinh ra và lớn lên ở bản Huổi Moi - một trong những bản khó khăn nhất xã Pa Thơm, nơi con đường đến trường khi lội suối, lúc băng rừng; điều kiện học tập thiếu thốn nên Hương càng thấm thía giá trị của “con chữ”. Em hiểu rằng, chỉ có con đường học tập mới giúp em và những trẻ em vùng cao thoát khỏi nghèo đói.

“Em ngưỡng mộ các thầy, cô giáo ở trường. Không chỉ dạy chữ, các thầy cô còn quan tâm, sẻ chia với học sinh, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh như em. Em mong muốn sau này trở thành giáo viên, được đứng trên bục giảng, giúp đỡ các em nhỏ ở bản nghèo học hành tốt hơn. Đối với em, nghề giáo không chỉ là công việc mà trở thành mong ước”, Hương nói.

Thấu hiểu hoàn cảnh của Hương, thầy cô trong trường luôn động viên, hỗ trợ để em có điều kiện học tập tốt nhất. “Hương ngoan, lễ phép và là tấm gương vượt khó tiêu biểu của lớp. Nhà trường đã miễn toàn bộ học phí buổi 2 và một số khoản đóng góp cho em. Các thầy cô, bạn bè cũng thường xuyên động viên, giúp đỡ để em yên tâm học tập”, ông Hà Văn Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Để thực hiện ước mơ, ngay từ tiểu học, nữ sinh người Khơ Mú đã ý thức rõ ràng học tập là con đường duy nhất để thoát nghèo, thay đổi số phận. Vì vậy ngoài giờ học, Hương tranh thủ làm thêm, phụ bán hàng ở quán tạp hóa gần trường hoặc dọn dẹp sạp rau trong chợ để có tiền trang trải sinh hoạt cá nhân, giảm bớt gánh nặng cho bác.

Không than vãn, không nản chí, sau giờ phút làm thêm Hương miệt mài học tập, phát huy tự học ở nhà, tìm tòi thêm kiến thức từ sách vở. Nhờ vậy, nhiều năm liền em đã đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và từng tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và đạt được giải thưởng ở một số môn học.

Không chỉ học giỏi, Hương còn tích cực tham gia các hoạt động tập thể, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Em sống hòa đồng, thân thiện và luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.

Cô Trần Thị Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A xúc động nói: “So với nhiều học sinh, Hương thiệt thòi hơn nhưng ở em luôn thể hiện nghị lực lớn, biết vượt lên hoàn cảnh bằng sự tích cực, yêu thương và chia sẻ. Em là tấm gương sáng để các bạn noi theo”.

nu-sinh-hoc-de-thoat-ngheo2.jpg
Lò Thị Hương làm thêm tại cửa hàng tạp hóa gần trường.

Gieo ước mơ - nhận yêu thương

Mục tiêu trước mắt của Hương là thi đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Điện Biên - nơi em kỳ vọng sẽ có điều kiện học tập tốt, chỗ ở ổn định để tiếp tục hành trình chạm đến cánh cổng trường đại học, cụ thể là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng em vẫn tin vào những điều tốt đẹp. Em sẽ cố gắng hết sức để không phụ sự kỳ vọng của thầy cô, bạn bè và những người đã yêu thương, giúp đỡ em”, Hương nói.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập diễn ra đầu tháng 6 tới được dự báo áp lực, đặc biệt với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như Hương. Để chuẩn bị, ngoài giờ học trên lớp, em dành toàn bộ thời gian nghỉ để ôn tập.

Với môn Toán, em ôn kỹ các kiến thức cơ bản như giải phương trình, hệ phương trình, tính diện tích hình học… và làm bài tập nâng cao trong sách, nhờ thầy cô chữa lỗi. Môn Ngữ văn, em học thuộc các bài thơ, truyện trong sách, luyện viết đoạn văn, đặc biệt là nghị luận xã hội về các chủ đề quen thuộc.

Môn Tiếng Anh là thử thách lớn nhất với Hương vì điều kiện học tập còn hạn chế. Hương học từ vựng theo chủ đề, luyện đọc đoạn văn ngắn, học hát bài hát tiếng Anh để ghi nhớ tốt hơn. Cô giáo chủ nhiệm còn cho em mượn máy tính để chủ động tra cứu, luyện đề.

“Với sự cố gắng, chăm chỉ và hỗ trợ từ nhà trường cùng các thầy, cô giáo, tin tưởng Hương có thể thi đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện”, cô Thủy chia sẻ.

“Ở nơi biên cương Tổ quốc, ước mơ trở thành người ‘gieo chữ’ của cô học trò nghèo không chỉ là câu chuyện của riêng em, mà còn là tấm gương cho nhiều thế hệ học sinh vùng cao đang khát khao tri thức và khát vọng đổi đời noi theo”. - Cô Trần Thị Thủy

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nu-sinh-kho-mu-uoc-mo-thanh-nguoi-gieo-chu-post732223.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nu-sinh-kho-mu-uoc-mo-thanh-nguoi-gieo-chu-post732223.html
Bài liên quan
Nữ sinh giành học bổng 10 đại học Mỹ, Canada, Tây Ban Nha
Gia đình không dư dả để du học nên Nguyễn Hạnh An quyết tâm săn học bổng, được 10 đại học ở Mỹ, Canada và Tây Ban Nha chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ sinh Khơ Mú ước mơ thành người "gieo chữ"