Gương sáng

Nữ sinh nghẹn lòng nói lời "gan ruột" chuyện cựu chiến binh bị đối xử vô lễ

Huyên Nguyễn 03/05/2025 17:18

"Những người lính may mắn sống sót đến dự lễ kỷ niệm 50 năm, nhưng họ đã phải ở lại cùng vô vàn nỗi đau trong chiến tranh, họ ở lại đây để ta thấy lịch sử hào hùng thế nào".

Những dòng chia sẻ đầy trăn trở và lòng trắc ẩn của Dương Hoàng Dung - sinh viên năm nhất ngành Xã hội học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - đã chạm đến trái tim của biết bao người, một lần nữa khơi dậy trong mỗi chúng ta sự thức tỉnh về lòng biết ơn và sự trân trọng đối với những hy sinh thầm lặng của thế hệ đi trước.

Giây phút nghẹn lòng nghe tiếng "tủi thân" của người lính

Hoàng Dung (SN 2006) là một trong những thành viên của nhóm sinh viên đã có hành động mời hai cựu chiến binh bị "đuổi chỗ" cùng xem diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cô còn là người trực tiếp chứng kiến sự việc đáng buồn xảy ra vào đêm 29/4, khi một bộ phận nhỏ người trẻ có hành vi thiếu tôn trọng với những người anh hùng năm xưa, sự việc đã gây ra làn sóng bất bình mạnh mẽ trong dư luận.

screenshot-2025-05-03-134650.png
Dương Hoàng Dung chụp ảnh lưu niệm cùng một bác cựu chiến binh khi cùng ngồi chờ xem diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô nữ sinh 19 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc đau lòng ấy.

"Em không diễn tả nổi giây phút nghe cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thốt lên hai chữ "tủi thân". Bác nói: "May mà có các cháu thông cảm cho, 50 năm quay lại đây tưởng được chào đón, ai ngờ lại bị đuổi. Tủi thân lắm!". Nghe những lời ấy, tim mình như thắt lại, một nỗi đau nhói buốt", Hoàng Dung nghẹn ngào.

Cô cũng chia sẻ thêm về khoảnh khắc chứng kiến sự thiếu tôn trọng: "Lúc quay sang thấy hai bạn nam lớn tiếng với các bác, em đã thấy rưng rưng nước mắt rồi. May mắn là bọn em đã kịp mời được hai bác vào ngồi chung. Nếu hôm ấy không kịp mời các bác, chắc chắn em sẽ hối hận vô cùng", Hoàng Dung khẳng định.

Cô gái quê Long An xúc động nhớ lại khoảnh khắc mời được hai bác cựu chiến binh đến ngồi cùng: "Lúc đó, cảm xúc của bọn em như vỡ òa khi được gặp những người chiến sĩ bằng xương bằng thịt ngay trước mắt.

Việc nhỏ bé mà bọn em làm đã giúp các bác có được chỗ ngồi để xem diễu binh, để chứng kiến thành quả mà họ và đồng đội đã dày công xây dựng nên cách đây 50 năm".

screenshot-2025-05-03-134703.png
Nhóm bạn trẻ vây quanh hai cựu chiến binh - người bị trước đó bị hai nam sinh "đuổi chỗ" - để nghe kể chuyện chiến đấu (Ảnh: NVCC).

Trân trọng từng khoảnh khắc bên những "chứng nhân lịch sử"

Sinh ra và lớn lên tại Long An - mảnh đất thấm đẫm những mất mát và hy sinh trong chiến tranh - Hoàng Dung luôn được gia đình, thầy cô giáo dục về giá trị của độc lập, tự do và sự hy sinh cao cả của cha ông.

Trong trái tim cô gái trẻ luôn chứa đựng lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với những người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả xương máu để cô và thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hòa bình và hạnh phúc.

"Các bác đã chiến đấu không mệt mỏi, không ngại hy sinh thân mình, vượt qua bao gian khổ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 50 năm trước.

Ngay chính cái nơi mà ta đứng lên, có thể đã từng nhuốm đỏ máu của biết bao người con ưu tú. 50 năm sau, thành quả họ gây dựng là nền hòa bình độc lập, là cuộc sống ấm no của người dân", sinh viên năm nhất suy tư.

Cô không khỏi xót xa khi chứng kiến những người có công với đất nước phải đưa ra tấm thẻ thương binh như một sự "bảo chứng" để chứng minh những mong mỏi được xem diễu binh, họ lo sợ những người trẻ không tin vào họ.

"Họ đã trải qua vô vàn nỗi đau xé da, xé thịt, họ đã mang trên mình những vết thương do chiến tranh để lại, cả về thể xác lẫn tinh thần... Tất cả chỉ để đổi lấy nền hòa bình ngày nay mà chúng ta đang tận hưởng.

Vậy mà một bộ phận nhỏ người trẻ lại có cách đối xử không đẹp với họ, điều đó khiến mình cảm thấy chạnh lòng vô cùng", Hoàng Dung bày tỏ.

screenshot-2025-05-03-134710.png
Nhóm sinh viên Dương Hoàng Dung, Lê Thị Phương Hoa, Nguyễn Bảo Nhật Anh, Nguyễn Ngọc Tuyền, Nguyễn Hà My, Trần Thu Huyền (khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã mời các cựu chiến binh cùng ngồi để xem diễu binh (Ảnh: NVCC).

Với sự nhạy cảm của một người trẻ giàu lòng biết ơn, cô nữ sinh viên năm nhất Trường Nhân văn nhận thức sâu sắc về giá trị thời gian và sự hữu hạn của những chứng nhân lịch sử.

"Em biết rằng 10, 20 năm sau, chúng ta khó có thể nhìn thấy những người lính bằng xương bằng thịt bước ra từ mưa bom bão đạn ấy, khó có thể nghe được những câu chuyện thật đời thường từ chính họ kể thêm lần nào nữa.

Vì vậy, mình trân quý từng khoảnh khắc được gặp gỡ, được lắng nghe. Mình cũng mong muốn có nhiều người cùng mình trân trọng những giây phút lắng đọng này", nữ sinh khắc ghi.

"Yêu nước là yêu cả người làm nên đất nước"

Lời chia sẻ đầy tâm huyết của Hoàng Dung cũng đồng thời là một lời nhắc nhở sâu sắc đến thế hệ trẻ: "Nếu yêu nước, phải nhớ - đấy là yêu luôn cả những người đã làm nên đất nước. Yêu cả những người đã khuất và trân trọng những người còn đang ở đây.

Bởi vì có lẽ sẽ chẳng còn nhiều thời gian để chúng ta được thấy những con người bằng da bằng thịt ấy nữa. Họ đã cho ta sự sống, họ đã cho ta chốn để về. Họ cũng là những con người bình dị, cũng có gia đình, có anh em, và họ có những người đồng đội đã ngã xuống, thậm chí là ngã xuống ngay trên mảnh đất mà chúng ta đang đứng".

Nữ sinh viên nói tiếp: "Em sẽ ghi nhớ mãi câu chuyện này cho đến cuối đời. Dù hành động của tụi em không quá lớn lao nhưng lại mang đến cho em một sức mạnh tinh thần sâu đậm".

screenshot-2025-05-03-134717.png
Dương Hoàng Dung nhiều năm liền đạt giải học sinh giỏi, nhận nhiều thành tích xuất sắc (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về cảm xúc khi được tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hoàng Dung bày tỏ niềm tự hào sâu sắc khi được là một người con của đất Việt, được chứng kiến những ngọn cờ Tổ quốc tung bay và trân trọng cuộc sống hòa bình mà cha ông đã dày công mang lại.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện cụ thể, Hoàng Dung còn gửi gắm mong muốn đến các bạn trẻ: "Em hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn về những vấn đề đang diễn ra trên mạng xã hội, tránh những so sánh cá nhân hay tập thể để câu chuyện về chỗ ngồi của hai cựu chiến binh không bị đẩy đi quá xa.

Điều quan trọng là chúng ta cần học cách lắng nghe, thấu hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử, những người đã làm nên lịch sử; đồng thời, mở ra cơ hội sửa sai cho những hành động chưa đúng".

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-sinh-nghen-long-noi-loi-gan-ruot-chuyen-cuu-chien-binh-bi-doi-xu-vo-le-20250503003005992.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-sinh-nghen-long-noi-loi-gan-ruot-chuyen-cuu-chien-binh-bi-doi-xu-vo-le-20250503003005992.htm
Bài liên quan
Sinh viên Văn Lang bị tố vô lễ với cựu chiến binh xem diễu binh 30/4, trường lên tiếng
Sinh viên Trường Đại học Văn Lang bị tố có những hành vi bất kính, vô lễ với cựu chiến binh khi đi xem diễu binh trong đại lễ 30/4. Trường Đại học Văn Lang vừa lên tiếng về việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ sinh nghẹn lòng nói lời "gan ruột" chuyện cựu chiến binh bị đối xử vô lễ