Cao gần 1.800m so với mực nước biển, núi Chư Mom Ray lúc ẩn, lúc hiện sau những đám mây bồng bềnh.
Nằm ở phía Tây tỉnh Kon Tum, núi Chư Mom Ray cao sừng sững như cột chống trời. Nơi đây từ lâu được xem như điểm đến thú vị của du khách gần xa bởi cảnh quan vừa hoang dại, thơ mộng lại bao la, hùng vĩ. Nhưng ít ai biết rằng từ ngàn xưa, ngọn núi gắn liền với những câu chuyện đầy bi thương.
Cao gần 1.800m so với mực nước biển, núi Chư Mom Ray lúc ẩn, lúc hiện sau những đám mây bồng bềnh. Ngọn Chư Mom Ray gần gũi, gắn bó với bà con người dân tộc thiểu số ở Kon Tum từ ngàn đời, qua những câu chuyện truyền thuyết linh thiêng.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, già làng Bar Gốc - A Xứp (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, Kon Tum) bảo rằng, xưa kia tổ tiên người Jrai đã sinh sống, canh tác dưới chân núi Chư Mom Ray. Theo tiếng Jrai, Chư có nghĩa là núi, còn Mom Ray là thổ cẩm. Hướng mắt về phía ngọn núi sừng sững, già A Xứp trầm ngâm kể về nguồn gốc của núi thổ cẩm.
Chuyện kể rằng, xưa kia trong làng có hai chị em gái mồ côi cha mẹ, sống nương tựa nhau từ nhỏ nên rất thuận hòa. Nhà nghèo, làng lại sắp có lễ hội lớn nên người chị lên rừng tìm nấm để đóng góp, còn em gái ở nhà dệt vải.
Trước khi đi người chị dặn em trông chừng mớ sợi đang phơi ngoài sân vì bản thân đã bỏ rất nhiều công sức tìm kiếm, se vỏ cây thành sợi vải. Thế nhưng vì mải mê dệt vải nên em gái không để ý thấy con bò rừng đi ngang qua ăn mất bó sợi.
Từ rừng sâu trở về, người chị không thấy sợi vải đâu nên nghi ngờ em gái lấy của mình để dệt. Cô em gái ra sức thanh minh, giải thích nhưng người chị tức giận bỏ ngoài tai tất cả. Uất ức vì chị không tin mình, người em gái bỏ đi, đi mãi vào rừng sâu thăm thẳm. Đến khi kiệt sức cô em gái dừng lại rồi gục chết trên một ngọn đồi cao.
Mấy ngày sau, hội làng bắt đầu, thanh niên trai tráng săn được con bò rừng rất to. Khi mổ bụng bò thì ai nấy đều ngạc nhiên vì thấy bên trong đầy những sợi vải. Lúc này người chị biết mình trách oan em gái, nước mắt lã chã rơi rồi lao đi tìm em.
Người chị đi suốt ngày, suốt đêm, leo qua bao nhiêu đồi, bao nhiêu suối. Chị hú gọi tên em đến khàn giọng nhưng chẳng có tiếng ai đáp lại. Đi mãi, đuối sức, người chị gục đầu xuống một tảng đá trên ngọn đồi.
Từ trong tảng đá, người chị nghe tiếng nói vọng ra: “Chị ơi, em không lấy sợi vải của chị”. Biết em gái mình chết trong oan ức và đã hóa thành đá núi, người chị ôm chầm lấy tảng đá, nức nở: “Chị biết rồi, em tha lỗi cho chị. Về nhà với chị đi em”. Trong giây phút trùng phùng ấy, người chị cũng gục xuống, trút hơi thở cuối cùng và hóa thành tảng đá thứ 2, chồng lên tảng đá trước.
Các loài chim muông, thú rừng nghe tiếng réo gọi em thảm thiết của người chị nên kéo đến. Biết chị em họ đã đoàn tụ bên nhau, chúng cất những tiếng kêu, tiếng hót da diết để tiễn biệt. Ngày ngày chúng tha từng viên sỏi, cục đất nhỏ về đắp thành một ngôi mộ lớn. Không chỉ vậy, muông thú còn đem hạt cây Nang Pray về gieo quanh ngọn núi.
Lâu dần, ngôi mộ ấy cao lên trở thành ngọn núi sừng sững nhất vùng. Người đời sau đặt tên cho ngọn núi là Chư Mom Ray - núi thổ cẩm, để nhớ nghề dệt thổ cẩm truyền thống và nhắc nhở con cháu sống tốt hơn, cân nhắc trước mọi việc làm.
Không chỉ truyền tụng câu chuyện về ngọn núi thổ cẩm, người già ở Bar Gốc còn kể cho con cháu nghe về sự tích của làng mình. Ngồi dựa cột nhà, già Y Sơi (80 tuổi, làng Bar Gốc) là một trong những người già nhất của làng.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, tuổi tác có khi quên quên nhớ nhớ nhưng sự tích của làng thì già chẳng thể nào quên. Già Y Sơi kể rằng, xưa kia, người dân trong làng sống du canh, du cư quanh núi Chư Mom Ray. Cuộc sống nay đây mai đó chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm nên đời sống của bà con phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.
Bỗng một ngày, mây đen kéo đến, mưa như trút, nước từ các sông suối dâng cao nhấn chìm ruộng đồng, làng mạc. Để tránh trận đại hồng thủy, dân làng rủ nhau lên núi cao trú ngụ. Đi mãi, mọi người cũng tìm được một nơi cao ráo với nhiều gốc cây cổ thụ to, mấy người ôm không xuể.
Quanh đó có nhiều thân cây leo rậm rạp nên dân làng vào những gốc cây đó trú mưa. Mưa lớn qua đi, mọi người thấy nơi này khá bằng phẳng, cây cối tốt tươi nên thống nhất dừng chân để lập làng.
Thấy nơi đây có nhiều sợi dây leo quấn quanh gốc cây rừng nên già làng đặt tên làng là Bar Gốc. Theo ngôn ngữ của người Jrai, Bar có nghĩa là sợi dây, Gốc có nghĩa là gốc cây rừng. Cũng nhờ mưa thuận gió hòa mà bà con nơi đây trồng cây gì cũng xanh tốt, hoa trái trĩu cành. Mọi người vui vẻ, thuận hòa sống yên bình với nhau.
Năm 1996, được chính quyền địa phương vận động ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray đến một vị trí mới, người dân làng Bar Gốc đã có cuộc di dân lịch sử. Mặc dù chỉ cách làng cũ khoảng 1 cây số nhưng đây là dấu mốc giúp bà con thoát khỏi tư tưởng rừng là tất cả.
“Xưa kia, ông bà sinh sống và lớn lên với những món quà mà thiên nhiên ban tặng. Sau này mình luôn cố gắng bảo vệ và gìn giữ rừng. Người dân cũng lưu giữ nghề dệt truyền thống để nhớ lại những truyền thuyết xưa cũ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Jrai. Ngày nay, trong làng chỉ còn một vài người trẻ thích dệt thổ cẩm thôi, nên mình luôn động viên các cháu học tập, lưu giữ nét đẹp truyền thống vốn có”, già Y Sơi bộc bạch.
Chư Mom Ray không chỉ được mọi người biết đến với những truyền thuyết huyền bí, ngày nay ngọn núi này nằm trong VQG Chư Mom Ray, trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi.
Được thành lập năm 2002, Chư Mom Ray có một vị trí đặc biệt, là VQG duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với 2 quốc gia láng giềng là Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Với diện tích hơn 56.000ha, VQG Chư Mom Ray đa dạng kiểu địa hình, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ nên rất tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…
Khí hậu ở Chư Mom Ray chia theo 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, những khu rừng rụng lá theo mùa, như: Rừng bằng lăng, rừng khộp tạo nên những cảnh sắc đẹp, thuận lợi để tổ chức các hoạt động du lịch ngoài trời cũng như tìm hiểu hệ sinh thái rừng đặc trưng này.
Mùa mưa, những đồng cỏ vốn khô héo vào mùa khô trở nên xanh và thu hút được nhiều loài thú móng guốc ăn cỏ, các loài chim di cư… tìm đến. VQG Chư Mom Ray có 3 hệ suối chính và đều là nguồn tụ thủy cung cấp nước cho Vườn. Những hệ thống suối và địa hình trong VQG vô tình tạo ra các thác, suối đẹp vào mùa mưa, như: Thác 7 tầng, thác Khỉ, thác Bê Rê I, thác Nàng Tiên...
Nằm giữa ngã ba Đông Dương, VQG Chư Mom Ray đang sở hữu một tài nguyên đa dạng sinh học giàu có. Về thực vật có 1.895 loài, thuộc 184 họ, trong đó có 52 loài thuộc diện quý hiếm. Còn động vật có 952 loài, trong đó 120 loài động vật có vú, 290 loài chim, 42 loài bò sát và 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, trong đó có 149 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Cùng với đó, diện tích rừng nguyên sinh tương đối lớn, VQG Chư Mom Ray đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí cho khu vực. Với tầm quan trọng và giá trị đa dạng sinh học, năm 2004 VQG Chư Mom Ray được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý VQG Chư Mom Ray cho biết, ưu thế này vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đặt ra cho Vườn trong việc hài hòa giữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hoạt động du lịch sinh thái.
Với việc được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học nên VQG Chư Mom Ray rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về thiên nhiên và văn hóa địa phương.
Bởi các cộng đồng dân tộc trên địa bàn huyện Sa Thầy vẫn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống hết sức đa dạng và phong phú như: Lễ hội cồng chiêng, múa xoang, đàn đá, đàn môi... Đây là một trong những tài nguyên quý giá đầy tiềm năng phát triển du lịch huyện Sa Thầy, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng… Đồng thời, cũng là cơ hội để kết nối, thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái trong VQG Chư Mom Ray giai đoạn tới.
Theo ông Thủy, ở địa phương có những điểm tâm linh, di tích lịch sử, như: Đài tưởng niệm Chư Tan Kra, dãy Sạc Ly, đài tưởng niệm trên đỉnh Charlie, Delta… nhằm tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong tương lai, các điểm lịch sử, tâm linh này sẽ được kết nối với những điểm du lịch trong và ngoài VQG Chư Mom Ray nhằm hình thành tuyến du lịch đặc trưng trong vùng. Những tuyến du lịch này mang ý nghĩa về lịch sử nhằm tưởng nhớ các chiến sĩ đã ngã xuống và ghi nhớ một chương lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Thủy bày tỏ, mặc dù chưa chính thức đi vào khai thác du lịch nhưng Chư Mom Ray được nhiều du khách gần, xa quan tâm, trải nghiệm khám phá. Hiện BQL đã có đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong VQG Chư Mom Ray.
“Tiềm năng phát triển du lịch của VQG Chư Mom Ray là rất lớn, song nhiều năm nay vẫn chưa được đánh thức. Do đó, BQL đã lập đề án để có một cách nhìn toàn diện về những tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử.
Qua đó xác lập một lộ trình phù hợp để phát huy các tiềm năng du lịch trên cơ sở điều kiện thực tế về thiên nhiên, con người và nguồn lực của Vườn. Đặc biệt chú ý phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Đồng thời giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội”, ông Thủy nói.