Tương tự như sông Dương Tử cung cấp nước cho đập Tam Hiệp, sông Paraná có lưu lượng chảy lớn nhưng ổn định hơn, cho phép Itaipu phát điện quanh năm với công suất lớn.
Ước tính lượng điện hàng năm của Itaipu đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Paraguay trong 8 năm, của Brazil trong 79 ngày.
Tính đến năm 2016, Itaipu đã có ít nhất 3 lần vượt qua kỷ lục của đập Tam Hiệp về sản lượng điện.
Cụ thể, theo hãng thông tấn Cihan, đập Tam Hiệp lập kỷ lục với sản lượng điện 98,1 triệu MWh vào năm 2012 nhưng sau đó Itaipu đã nhanh chóng "soán ngôi" với 98,63 triệu MWh điện vào năm 2013.
Tiếp đó, vào năm 2015, Itaipu đã sản xuất tổng cộng 89,2 triệu MWh điện, nhiều hơn 2,6% so với sản lượng của đập Tam Hiệp. Đây là bước lội ngược dòng của Itaipu so với kết quả năm 2014, trong đó đập thủy điện của Brazil – Paraguay tụt xuống sau đập Tam Hiệp do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nước ở Brazil.
Năm 2016, Itaipu đạt sản lượng điện lên tới 103.098.366 MWh, tiếp tục vượt qua đập Tam Hiệp để lập kỷ lục thế giới.
Đập Tam Hiệp Trung Quốc ít nhất 3 lần bị Itaipu "soán ngôi".
Theo thỏa thuận liên doanh ban đầu giữaBrazil và Paraguay, mỗi nước sẽ được hưởng 50% sản lượng điện của đập Itaipu. Tuy nhiên, Paraguay chỉ có nhu cầu sử dụng rất nhỏ, họ bắt buộc phải bán lượng điện không tiêu thụ hết cho Brazil theo giá sản xuất.
Quy định này sau đó đã gây tranh cãi giữa hai nước bởi Paraguay cảm thấy bị thua thiệt, họ muốn bán điện với giá thương mại sang Brazil và các thị trường khác. Trong năm 2012, Paraguay chỉ thu được 374 triệu USD từ việc bán sản lượng dư thừa khổng lồ sang nước láng giềng.
Mua được điện với giá rẻ là vậy nhưng có tại Brazil lại tồn tại một nghịch lý: Đây là một trong những nước có giá điện cao nhất thế giới. Theo tờ The Brazil Business, giá điện tại Brazil có giai đoạn thậm chí cao hơn cả một số nước phát triển như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ.
Mặc dù hiện nay, Brazil đã giảm sự phụ thuộc vào thủy điện nhưng 65% sản lượng điện của quốc gia này vẫn đến từ các đập thủy điện. Một số ý kiến cho rằng giá điện tại Brazil cao là do các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào lượng mưa, trong khi lượng mưa lại thay đổi thất thường do biến đổi khí hậu. Năm 2021, cuộc khủng hoảng nước ở Brazil đã đẩy giá điện tăng tới 6,78%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng lý do thực sự nằm ở sự yếu kém trong việc quản lý các hồ thủy điện.
Theo thống kê của Global Petro Prices, tháng 12/2022, giá bán lẻ điện (cho hộ sinh hoạt) tại Brazil là 0.171 USD/kWh, tương đương hơn 4.000 đồng một số điện. Trong khi đó, giá bán lẻ điện tại Trung Quốc là 0.076 USD/kWh (1.799 đồng), Việt Nam là 0.079 USD/kWh (1.870 đồng).
Theo số liệu từ Cục thống kê lao động Mỹ, vào tháng 6/2022, giá bán lẻ điện trung bình tại Mỹ (cho hộ sinh hoạt) là 0.160 USD/kWh (3.787 đồng). Ở một số khu vực như thành phố Seattle, giá điện xuống còn 0.118 USD/kWh (2.792 đồng).