Giáo dục chủ quyền biển đảo là một nội dung quan trọng đã được ngành GD&ĐT các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa đưa vào chương trình chính khóa ở trường phổ thông. Cùng với việc giảng dạy tài liệu lịch sử địa phương ở cấp THCS và THPT, những kiến thức giáo dục chủ quyền biển đảo còn được lồng ghép, tích hợp trong các môn học. Bên cạnh đó, các trường học ngày càng chú trọng hơn việc đổi mới hình thức tổ chức ngoại khóa về chủ đề này.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Hiến (Đà Nẵng) tìm hiểu các hiện vật trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. |
Với sự ra đời của Nhà trưng bày Hoàng Sa, các trường học ở Đà Nẵng có thêm một phương tiện trực quan sinh động bổ trợ cho giáo trình về Hoàng Sa, bởi trăm nghe không bằng một thấy. Nguyễn Thảo Nhi (HS lớp 11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết: “Học lịch sử địa phương giúp cho chúng em nắm được toàn bộ quá trình liên tục xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam, trong đó có những đóng góp của người Đà Nẵng đối với quần đảo Hoàng Sa. Các kiến thức đó được củng cố và khắc sâu hơn khi được tiếp cận các tư liệu, hiện vật tại Nhà trưng bày Hoàng Sa với những bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa”.
Phụ huynh Trường THCS Quang Trung (Ninh Hòa, Khánh Hòa) cùng tham gia chương trình Đố vui liên quan đến hiểu biết về biển đảo trong chương trình ngoại khóa Biển đảo quê hương. |
Gần như các trường học ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đều tổ chức hoạt động ngoại khóa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma – một địa chỉ đỏ về giáo dục chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ. Thầy Nguyễn Văn Thương – Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) chia sẻ: “Ngoài chuyển tải những thông tin liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa trong các giờ học chính khóa, nhà trường còn tổ chức một số hoạt động ngoại khóa có sự tham gia của cả phụ huynh.
Phụ huynh cũng là đối tượng truyền thông mà nhà trường muốn mở rộng trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. So với một số địa phương khác, Khánh Hòa có thuận lợi trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Vì vậy, chúng tôi tận dụng mọi điều kiện để có thể mở rộng các tiết học tại Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma,Viện Hải dương học, kết nối với các đơn vị hải quân… để HS có những trải nghiệm thực tế”.
Từ nhận thức biến thành hành động, học sinh các trường học đã tham gia nhiều chiến dịch như làm sạch bãi biển, thu gom rác thải ven biển. Các phong trào như Góp đá xây Trường Sa, Hành trình Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương… đã thu hút đông đảo học sinh tham gia.