Cụ thể, thửa đất kiểm tra có tổng diện tích gần 4 ha, do VQG Phú Quốc quản lý, có khu đất hơn 2.000 m2 đang tồn tại các công trình kiến trúc của chùa Chuông Am nằm ngoài ranh rừng, còn lại là đất rừng. Trong đó, ông Hải cho phá hơn 6.000 m2 rừng thành mặt bằng và xây dựng 1 nhà mộ 48 m2.
Toàn bộ diện tích thửa đất gần 4 ha nói trên thuộc tiểu khu 76 rừng phòng hộ Phú Quốc, được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL609248 ngày 6-3-2013 cho BQL rừng phòng hộ Phú Quốc (nay là VQG Phú Quốc).
Toàn bộ khu đất của chùa Chuông Am.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về bước xử lý tiếp theo sau khi đã có báo cáo xác định rừng phòng hộ bị "xẻ thịt" như thế nào, Giám đốc VQG Phú Quốc cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin phóng viên cung cấp vì không nhớ rõ vụ này.
"Liên quan việc phá rừng phòng hộ ở Phú Quốc, nhiều vụ quá nên tôi không nhớ nổi vụ nào. Tôi ghi nhận và cho kiểm tra lại, sẽ thông tin sau" - ông Tiệp nói.
Trong báo cáo gửi Tổ Công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc, VQG Phú Quốc cho biết hiện diện tích rừng phòng hộ ở Phú Quốc chỉ còn 6.666 ha, mất gần 5.300 ha.
Đất nhà chùa nhưng đứng tên cá nhân
Theo hồ sơ, diện tích đất chùa Chuông Am quản lý, sử dụng là hơn 15.000 m2 nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân ông Lâm Việt Hải (SN 1969, ngụ TP HCM).
Đất của chùa Chuông Am có tổng diện tích hơn 15.000 m2
Để làm rõ sự việc này, phóng viên đã đến chùa Chuông Am. Người giữ chùa cho biết ông Hải đã về TP HCM nhiều tháng chưa ra và không dùng điện thoại nên không liên lạc được.
Người tạm quản lý chùa, thầy Minh Ân, cho biết Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang đang xem xét thủ tục chuyển quyền sử dụng đất của ông Hải về giáo hội quản lý theo quy định. "Tôi chỉ nghe thầy Phước Duyên nói lại vậy thôi, chứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chùa hiện vẫn đứng tên Lâm Việt Hải" - thầy Minh Ân nói.