Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND Thành phố hàng tháng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu thiết lập đường dây nóng, kênh thông tin (như ứng dụng Zalo,…) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh, kiến nghị của người dân, các cơ quan báo chí về các hành vi vi phạm; duy trì lực lượng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các quận, huyện, thị xã và kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm khi cần thiết.
Việc chỉ đạo quyết liệt này hy vọng sẽ không còn tình trạng người đi bộ vẫn không có đường để đi, hoặc phập phồng đi cạnh xe máy, len lỏi giữa các ô tô trên những vỉa hè chật chội.
Nhiều người dân đặt câu hỏi tại sao ở tuyến đường chính mà ô tô lại ngang nhiên đỗ kín vỉa hè như vậy?
Trong cuộc họp báo chiều 9/3, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Dương Đức Hải cũng thừa nhận, vừa rồi một số quận đã vào cuộc rất tốt, tuy nhiện một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt, "nơi quyết liệt, nơi thì thụ động". Vì vậy, Công an Thành phố sẽ là đơn vị tham mưu chính để phân công rõ người, rõ trách nhiệm, sau này mới rõ đơn vị làm tốt, đơn vị nào chưa tốt.
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 100/2013/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí nhưng phải nộp hồ sơ xin cấp phép; đảm bảo điều kiện vỉa hè đó không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị, phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét.
Mức phạt tối đa đối với hành vi chiếm dụng vỉa hè, lòng đường từ 15 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, 30 - 40 triệu đồng đối với tổ chức.