Hội thảo Nâng cao chất lượng dạy học và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Trường THPT Tây Đô (Hậu Giang) tổ chức. Ảnh: NTCC |
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề mang tính thực tiễn. Vì vậy, cơ sở giáo dục phải chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực, đảm bảo sự đồng bộ, nâng chất lượng và hiệu quả...
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo thầy Nguyễn Phúc Viễn - Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (Chợ Gạo, Tiền Giang), ôn thi tốt nghiệp THPT là công việc quan trọng mỗi năm học.
Nhà trường chủ động công tác này dựa vào kết quả học kỳ I, cũng như kết quả điểm thi giữa học kỳ II, từ đó sàng lọc, phân loại để có định hướng quan trọng trong quá trình ôn tập. Đối với học sinh khá, giỏi sẽ tăng cường các giải pháp ôn tập, cho học sinh vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các bài thi. Còn học sinh trung bình, yếu sẽ giúp các em lấy lại kiến thức nền tảng, có thể vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT…
Trường THPT Tứ Kiệt (thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) bên cạnh dạy và học theo chương trình còn thường xuyên quan tâm, chăm lo đối với học sinh có học lực yếu kém. Theo kinh nghiệm, học sinh có học lực yếu kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao, chủ yếu giúp các em lấy lại kiến thức căn bản.
Lưu ý trong công tác ôn tập cho học sinh lớp 12, ông Lê Quang Trí nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm học, bên cạnh việc giảng dạy trên lớp, các trường cần đề ra kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12. Tăng cường lớp bồi dưỡng, phụ đạo, trong đó quan tâm đến học sinh có học lực yếu kém. Từ đó giúp các em nắm lại kiến thức, có kỹ năng vận dụng giải quyết các vấn đề đặt ra trong bài thi...
Nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) luôn đạt 100% nhưng không vì thế thầy, cô giáo, ban giám hiệu nhà trường chủ quan trong việc ôn tập, nhất là giai đoạn nước rút.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Trung Kiên, với điểm đầu vào cao cùng quá trình học tập nghiêm túc tại trường, không khó để học sinh vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng chủ quan với một số môn không nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học mà các em chọn.
Mô hình nhà trường áp dụng từ nhiều năm nay là mở các lớp “Tình yêu”. Sau khi tổ chức các kỳ khảo sát, phát hiện học sinh còn yếu môn nào sẽ học thêm môn đó. Lớp học được tổ chức giúp các em thêm yêu môn học, có động cơ học tập tốt hơn, không lơ là, coi nhẹ bất cứ môn học nào.
Tại Trường THPT Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội), lứa học sinh khóa 2021 - 2024 có điểm chuẩn thấp nhất thành phố với 90% học sinh có điểm đầu vào dưới 5. Đó thực sự là thách thức của nhà trường trong công tác giáo dục và ôn thi tốt nghiệp.
“Với tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu thương với học trò, các thầy cô đã miệt mài ôn luyện cho học sinh trong giờ học chính khóa; ôn tập trung và kèm riêng cho học sinh hổng kiến thức, ôn cả trực tiếp lẫn ôn trực tuyến. Sự nhiệt huyết, sát sao, đồng hành của các thầy cô đã truyền động lực cho các em cố gắng, vươn lên”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Bỉnh thông tin.
Nguyễn Quốc Bảo - học sinh Trường THPT Minh Quang chia sẻ: Ngay khi bước vào đầu năm học, chúng em được thầy, cô giáo động viên, khích lệ tinh thần và ôn tập, bổ sung thêm các kiến thức còn thiếu và yếu. Với sự tận tình chỉ dạy của thầy cô, chúng em cảm thấy thoải mái, tự tin trong quá trình học tập và ôn luyện.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thời điểm này, bên cạnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của đề thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra một số giải pháp cụ thể để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.