Trong quá trình viết đoạn văn, giáo viên hướng dẫn học sinh cách chấm và cho học sinh tự chấm, chấm chéo lẫn nhau để các em tự đánh giá được năng lực, kĩ năng của bản thân cũng như học hỏi lẫn nhau.
Đối với viết 1 bài văn nghị luận văn học về một đoạn thơ/đoạn trích văn xuôi, có kèm theo yêu cầu phụ: Giáo viên cung cấp lại mô hình cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ/đoạn trích văn xuôi, có kèm theo yêu cầu phụ cho học sinh, giúp các em thuộc mô hình đó.
Hệ thống lại kiến thức của từng bài qua việc vẽ sơ đồ tư duy và yêu cầu học sinh thuộc những phần cơ bản như tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, nghệ thuật, ý nghĩa văn bản và hệ thống các luận điểm của từng bài.
Giáo viên cũng cần tập trung hướng dẫn học sinh thực hành lập dàn bài trên các đề cụ thể, viết các đoạn văn nghị luận văn học (đoạn mở bài, đoạn đánh giá chung, đoạn nhận xét theo yêu cầu phụ, đoạn kết bài, các đoạn viết theo luận điểm,...) để rèn luyện các kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh.
Lưu ý học sinh, cô Đinh Thị Thuỷ, Trường THPT Phenikaa nhấn mạnh: Học sinh cần chủ động ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức bằng cách: Sơ đồ hóa, ghi giấy note kiến thức quan trọng, tham khảo tư liệu để có kiến thức ở mức nâng cao, có chiều sâu (nhằm đạt điểm tối đa, nhất là phần nghị luận văn học).
Học sinh cũng cần thành thạo các kĩ năng thực hiện yêu cầu của từng phần/từng câu trong đề thi. Học/ôn trong tâm thế chủ động, tĩnh tâm, học sâu, học kĩ, có mở rộng, phản biện để bài làm có chất lượng, thể hiện tư duy sắc sảo, mang dấu ấn cá nhân.