Ngoài tâm lý vững, để "chắc ăn" hơn, Phong khuyên các bạn hãy lên một kế hoạch ôn tập và luyện tập trước khi thi một khoảng thời gian nhất định để có đủ thời gian ôn thi, nắm vững kiến thức cũng như làm quen với các dạng đề.
Nói về việc từng chinh phục nhiều giải thưởng về tiếng Anh, nhưng cuối cùng lại chọn lớp chuyên nhật 7 năm THPT chuyên Ngoại Ngữ, Phong cho biết, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh đang dần trở thành một ngôn ngữ phổ biến và thịnh hành. Ở Việt Nam, người người nhà nhà học và giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Trong hoàn cảnh khá "bão hòa" đó, em muốn học thêm một ngôn ngữ khác để có thêm lợi thế.
Trong các kỹ năng của tiếng Nhật, Phong đánh giá phần nghe là khó nhất. Khi học kỹ năng nghe, em cảm thấy khó khăn khi người Nhật họ nói rất nhanh và đôi chỗ có thể lược âm hoặc bị nuốt âm. Ngoài ra, với tiếng Nhật, các cấu trúc ngữ pháp sẽ đảo lộn lại làm cho việc dịch bị ngược từ cuối lên đầu và khó hơn tiếng Anh.
Yếu tố quan trọng nhất để học tốt tiếng Nhật cũng như ngôn ngữ khác đó là phải có sự đam mê và yêu thích. Từ đó, chúng ta mới có sự cởi mở tiếp nhận kiến thức và có động lực theo đuổi lâu dài. Việc học ngôn ngữ cũng cần sự kiên trì, không chỉ là trong ngày một ngày hai mà là cả quá trình dài đằng đẵng. Mỗi ngày học thêm chút kiến thức, tích tụ nhiều ngày sẽ trở nên thành thạo.
Bí quyết của Phong đó là phải tự tạo cho bản thân môi trường học ngoại ngữ. Ngoài học trung tâm, có thể là xem phim, sử dụng các app trò chuyện, kết bạn với những người đang học ngôn ngữ đó. Đồng thời, tạo cho bản thân một thói quen là luôn luôn học tập, sử dụng ngôn ngữ đó hàng ngày. Song song với việc luyện nói thì cũng cần phải đọc nhiều sách bằng ngôn ngữ đó. Đọc sách có thể giúp bạn tăng thêm vốn từ vựng, hiểu cách sử dụng đúng của từ.
Ở nhà Phong thường làm thêm những bài tập được giao và còn review lại kiến thức của buổi hôm đó. Tài liệu em học chủ yếu đa phần từ sách Minna no nihongo.
Phong cho biết, ở cấp 1, cấp 2; tiếng Anh là môn bắt buộc nên em sẽ tập trung học tiếng Anh hơn, còn tiếng Nhật là một ngôn ngữ học để biết thêm. Nhưng lên cấp 3, vì học chuyên Nhật nên em sẽ làm sẽ ngược lại. Nhưng không vì thế mà em bỏ bê việc học tiếng Anh. Em vẫn không quên ôn tập và học thêm kiến thức tiếng Anh vào những lúc rảnh để không bị trôi kiến thức.
Qua thời gian theo học, Phong đánh giá, môi trường và chương trình học ở Chuyên ngoại ngữ rất năng động, thoải mái, phù hợp và cởi mở với tất cả học sinh.
"Thoải mái ở chỗ ở Chuyên ngoại ngữ có vô vàn các hoạt động ngoại khóa, hơn 20 câu lạc bộ với đầy đủ các nội dung chủ đề, từ Thể thao, Tập san, Mỹ thuật, Âm nhạc,... cho các bạn học sinh tha hồ lựa chọn. Thậm chí trường còn đầu tư hẳn một chuyến đi Ninh Bình để cho các bạn học sinh lấy điểm cuối kỳ một số môn nữa.
Tuy vậy, khối lượng deadline, bài tập cần hoàn thành cũng rất nhiều. Người ta thường trêu THPT Chuyên ngoại ngữ là THPT chuyên... ngập nước, ngập từ cả nghĩa đen đến nghĩa bóng. Học sinh sẽ được ngập trong deadline mỗi tuần nhưng điều này cũng giúp các bạn không bị bỡ ngỡ với khối lượng kiến thức, công việc khi vào đại học và khi đi làm. Nhưng đến thời điểm hiện tại em chưa cảm thấy bị quá tải với chương trình học ở đây vì em có thể cân bằng giữa việc học và việc vui chơi nên khá thoải mái", Phong chia sẻ.
Phong luôn để cuối tuần là khoảng thời gian thư giãn và giải trí, còn những ngày trong tuần có thể dùng để chạy deadline bài tập để không bị căng thẳng. Trong tương lai, nam sinh mong muốn sẽ được đi du học và theo học một ngôi trường tốt ở nước ngoài.