Ôn thi tốt nghiệp ở giai đoạn ‘kép’

Hà Linh | 05/03/2023, 21:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện nay, các trường THPT đang triển khai cùng lúc nhiệm vụ 'kép': Vừa dạy theo khung kế hoạch, vừa ôn thi tốt nghiệp.

Vừa học vừa ôn

Theo Bộ GD&ĐT, lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ sớm hơn so với năm ngoái. Dự kiến vào tuần cuối của tháng 6, thay vì tháng 7 như các năm trước. Trước những thay đổi đó, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các trường cân đối lịch giảng dạy, ôn luyện cho phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu sâu, sát nội dung tinh giản chương trình cũng như cấu trúc đề thi tốt nghiệp mà Bộ đã công bố.

Cho rằng thay đổi này cơ bản không gây xáo trộn kế hoạch giảng dạy, do có sự chủ động từ đầu năm học nên các trường THPT cũng không tạo áp lực cho học sinh. Tại trường THPT Mường Nhà (huyện Điện Biên) hiện vẫn đang ở giai đoạn 1 của kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Giáo viên vừa dạy tiếp chương trình vừa tổ chức các hình thức ôn luyện phù hợp cho học sinh.

Ôn thi tốt nghiệp ở giai đoạn ‘kép’ ảnh 1

Một giờ ôn tập Ngữ văn của học sinh lớp 12, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên.

Thầy giáo Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ và Sở, trường đã chỉ đạo cho các tổ chuyên môn tập trung nghiên cứu cấu trúc đề thi để có phương pháp giảng dạy, ôn tập cho học sinh. Trong thời gian sắp tới, trường sẽ có kế hoạch tổ chức họp phụ huynh để thông tin tình hình học tập của học sinh từ đó có kế hoạch ôn thi cho hiệu quả.

“Quan điểm của nhà trường là học sinh phải nắm chắc được các kiến thức cơ bản, giáo viên tuyệt đối không cắt xén chương trình. Giáo viên sẽ là người trực tiếp tư vấn cho học sinh chọn bài thi phù hợp với sở trường, nguyện vọng của mình. Sau khi kết thúc chương trình học, trường sẽ dành toàn bộ thời gian để bước vào giai đoạn nước rút, tập trung ôn tập thi tốt nghiệp”, thầy Thượng cho hay.

Tương tự, tại Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, 203 học sinh lớp 12 cũng đang vừa học, vừa được hệ thống hóa lại kiến thức. Theo thầy Vũ Trung Hoàn, Hiệu trường nhà trường chia sẻ, thì các em đã trải qua 2 lần thi thử. Dự kiến cuối tháng 3 sẽ tiếp tục bước vào lần thi thử thứ 3 để đánh giá lại toàn bộ giai đoạn ôn thi thứ nhất.

“Ở 2 lần thi thử trước, 100% học sinh đều đảm bảo đạt điểm tốt nghiệp. Dựa trên từng kết quả cụ thể, nhà trường phân luồng, phân loại học sinh để lên kế hoạch ôn luyện, hỗ trợ cho các giai đoạn sau. Ngoài việc phân loại học sinh yếu ở từng bộ môn theo từng mức độ thì nhà trường cũng phân nhóm học sinh đạt từ điểm 9 trở lên để dạy riêng. Những em này thường có mục tiêu rất rõ ràng và được định hướng phấn đấu thi vào các trường Đại học tốp đầu”, thầy Hoàn chia sẻ.

Khai thác tiềm năng internet

Cũng theo chia sẻ của thầy Hoàn, do công nghệ ngày một phát triển và thuận tiện, nên năm nay nhiều học sinh nhà trường có xu hướng mua các gói học online. Các em thường mua chung, với giá dao động từ 300 – 800 nghìn đồng/gói. Đánh giá đây là giải pháp ôn tập tương đối hiệu quả, tuy nhiên thầy Hoàn cho rằng cũng có nhiều mặt trái.

“Do trường không tổ chức học thêm, nên chúng tôi khuyến khích các em học bằng nhiều hình thức. Trong đó, việc tận dụng thế mạnh internet là rất tốt. Vì thế, để đảm bảo tốt nhất cho học sinh thì chúng tôi chủ động định hướng cho các em. Trước khi đăng ký mua gói học của môn nào, giáo viên môn đó sẽ trực tiếp tư vấn, kiểm duyệt”, thầy Hoàn nói.

Cũng nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng khai thác tiềm năng internet phục vụ ôn thi và định hướng nghề nghiệp, vừa qua Trường THPT huyện Mường Ảng đã mời giảng viên về hỗ trợ. Thầy giáo Đào Văn Thanh, Chuyên viên giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, giáo viên kĩ năng sống trực tiếp đứng lớp.

Với sự hỗ trợ của thầy Thanh, 112 học sinh nhà trường đã được tham gia 7 tiết học, với các nội dung: Mô hình chìa khoá xây dựng kế hoạch nghề; Mô hình cây nghề nghiệp; Mật mã Holiand; Lập kế hoạch nghề nghiệp cho tương lai; Bản đồ thế giới nghề nghiệp; Mô hình năng lực; Hoạt động rèn luyện năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Ôn thi tốt nghiệp ở giai đoạn ‘kép’ ảnh 2

Cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên trong giờ ôn tập Toán.

“Chương trình diễn ra trong thời gian ngắn, song đã cung cấp cho em một số công cụ và phương pháp để tìm hiểu về bản thân, các ngành nghề trong xã hội. Em còn được giáo viên trợ giúp giải tỏa những khó khăn, lo lắng, băn khoăn trong quá trình chọn nghề phù hợp. Qua đó xác định được mục tiêu bản thân. Nhờ vậy, em tự tin và có kế hoạch học tập, phấn đấu cho mục tiêu của mình”, em Quàng Văn Minh chia sẻ.

Không chỉ với Mường Ảng, theo thầy Thanh chia sẻ thì chương trình này được thực hiện tại nhiều trường THPT trên nhiều địa bàn. Mục tiêu là giúp học sinh, đặc biệt là lớp 12 chủ động khai thác và sử dụng các tài nguyên trên internet. Bên cạnh đó còn phục vụ cho việc tìm hiểu về sở thích, năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội để lựa chọn ngành nghề được phù hợp mọi lúc, mọi nơi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ôn thi tốt nghiệp ở giai đoạn ‘kép’