Để học sinh yếu an tâm học tập, hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô giảng dạy phụ đạo cho nhóm học sinh này sẽ không hưởng thù lao. Bên cạnh đó quá trình học, các thầy cô sẽ hướng dẫn học sinh lập thời gian biểu học, chọn không gian phù hợp để việc ôn tập đạt kết quả tốt nhất.
“Đặc biệt, giáo viên luôn sát sao, đồng hành để học sinh nắm chắc cấu trúc của từng chương, bài bằng cách xây dựng dàn bài, sơ đồ tư duy, học đến đâu chắc đến đó. Phối hợp phụ huynh để có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh có kết quả thi thử thấp và đối diện nguy cơ không đỗ tốt nghiệp. Tập trung vào dạng câu hỏi nhận biết, thông hiểu thường tập trung vào kiến thức lý thuyết cơ bản, cốt lõi trong sách giáo khoa”, cô Hương chia sẻ.
Cô Hương cho biết thêm, đối với những học sinh có mục tiêu xét đại học, ngoài ôn tập các nội dung lý thuyết cơ bản, học sinh cần luyện tập các dạng bài tập ở mức vận dụng. Luyện tập theo từng chuyên đề, trong quá trình luyện tập, câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã quên hoặc không hiểu cần xem lại tài liệu bổ sung và lấp lỗ hổng.
Mỗi tuần học sinh chọn 1 đề thi các năm trước để xác định mức độ năng lực, từ đó bản thân cũng biết cần bổ sung kiến thức gì, năng lực phù hợp với mức điểm và nên chọn trường khoảng điểm bao nhiêu.
“Khi ôn tập lí thuyết, giáo viên lưu ý học sinh nên ôn tập dưới dạng sơ đồ tư duy, hệ thống từ khoá cho từng chủ đề; chú thích bằng cách gạch chân các nội dung hay gây nhầm lẫn. Khi ghi chép lí thuyết nên dùng bút nhiều màu để đánh dấu và phân biệt các nội dung lí thuyết cần ôn tập.
Giới thiệu cho học sinh các kênh hình ôn tập khác như dạy học trên truyền hình, dạy học online, dạy chuyên đề… Hệ thống hóa kiến thức và luyện tập các kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi, các dạng bài tập theo các mức độ.
Qua đó, học trò nắm vững kiến thức một cách có hệ thống và làm chủ kiến thức để khai thác, sử dụng trong các tình huống khác nhau của đề kiểm tra, đề thi; rèn thói quen và phương pháp tự học tích cực, hiệu quả; lập thời gian biểu hợp lí, đạt mục tiêu học tập theo giai đoạn, ghi nhớ hệ thống, chọn không gian học yên tĩnh, ôn theo nhóm”, cô Hương chia sẻ.
“Ngoài chú trọng việc ôn tập, nhà trường còn tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, truyền cảm hứng học tập cho học sinh lớp 12. Trong các buổi tư vấn, học sinh được gặp gỡ những anh/chị sinh viên là cựu học sinh nhà trường có kết quả tốt nghiệp THPT cao và đỗ vào các trường đại học”, cô Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.