Thấu hiểu sự khó khăn của học trò miền núi, nhà trường luôn quan tâm hỗ trợ cho các em, giúp học sinh yên tâm bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Hàng năm nhà trường kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ máy tính để cho học sinh khối 12 mượn, hoặc tặng At-lát Địa lý cho học sinh.
"Với tinh thần trách nhiệm của thầy cô, sự cố gắng nỗ lực của thầy và trò, tin rằng chất lượng sẽ được nâng lên", thầy Thịnh bày tỏ.
Ôn tập bám sát kiến thức cơ bản
Để học sinh nắm vững kiến thức, Trường THPT Chế Lan Viên (huyện Cam Lộ) chú trọng củng cố cho học sinh nắm bắt kiến thức cơ bản, bám sát kiến thức theo chương trình giảng dạy. Quá trình ôn tập có thể giới thiệu các dạng mẫu của đề thi năm trước, ôn tập theo các dạng mẫu của đề thi, theo cấu trúc từng bộ môn.
Cô Phạm Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên cho biết, khi học sinh đã nắm được nền tảng kiến thức cơ bản thì thầy, cô giáo mới chuyển sang luyện tập các kỹ năng cho học sinh. Có nhiều kỹ năng cơ bản, như kỹ năng tìm hiểu đề, xử lý đề, giải các đề thi. Gần đến kỳ thi mới tập trung giải các bộ đề thi cơ bản.
Theo cô Phạm Thị Ánh Tuyết, năm nay Trường THPT Chế Lan Viên có khoảng 370 học sinh khối 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Vào đầu kỳ 2, dựa vào kết quả học tập của học sinh trong học kỳ 1, nhà trường yêu cầu các lớp tìm hiểu, rà soát lại chất lượng, từ đó tìm nguyên nhân để cùng nhau xây dựng giải pháp học tập hiệu quả. Theo đó, mỗi lớp có thể xây dựng đôi bạn cùng học tập, lớp xây dựng tổ nhóm học tập để hỗ trợ nhau. Sau đó, các lớp trao đổi, đối thoại với Hiệu trưởng và Ban giám hiệu, tổ chuyên môn để cùng tìm giải pháp, cùng nhau định hướng nhằm nâng cao chất lượng”, cô Tuyết nhấn mạnh.
Cùng với việc xây dựng tổ nhóm học tập, giáo viên các lớp rà soát các học sinh có nguy cơ để phụ đạo thêm cho các em, dựa vào tình hình học tập của mỗi lớp.
Nhờ sự chủ động, linh hoạt trong dạy học và quá trình ôn tập nên những năm qua, hơn 90% học sinh của trường đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.