Theo các cam kết sửa đổi trên bảng số liệu do OPEC công bố, Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2024.
Ước tính, các cam kết sửa đổi của OPEC+ sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong cuộc họp ngày 4/6, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia thông báo, kể từ tháng 7/2023, nước này tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày và có thể kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu nước này thấy cần thiết.
Một số quốc gia khác trong khuôn khổ OPEC+ gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu ở các mức lần lượt là 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày, 48.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 144.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024.
Ngay sau thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu trên thị trường thế giới đã liên tục tăng. Lúc 6h30 ngày 7/6, giá dầu WTI giao dịch ở mức 71,9 USD/thùng, tăng 0,25 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 76,55 USD/thùng, tăng 0,16 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Ở trong nước, giá bán các loại xăng dầu đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 390 đồng/lít, giá mới là 20.878 đồng mỗi lít; xăng RON95 tăng 516 đồng mỗi lít, lên 22.015 đồng/lít.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu đều được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 11 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.943 đồng/lít; dầu hỏa giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.771 đồng/lít; dầu mazut giảm 275 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 14.883 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 16 lần điều chỉnh giá, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.