Chất cốt giao rất cần cho cấu tạo cơ thể - nó như chất xi măng để gắn kết các tế bào lại với nhau thành mô cơ thể vững chắc. Tất cả các mô, từ da, lông, tóc, thịt, xương và mô liên kết đều cần phải có chất cốt giao này để gắn kết lại.
Tuy nhiên, protein có trong bì lợn rất khó tiêu vì vậy không nên ăn nhiều. Ở nước ngoài người ta không dùng bì lợn làm thực phẩm trực tiếp mà chỉ sử dụng để làm thạch và chất phụ gia hoặc thuộc da trong công nghiệp.
Ngoài ra, trong 150g bì có tới 122mg cholesterol và 37g chất béo bão hòa. Các thành phần này kết hợp với nhau gây ra tác hại cho sức khỏe, có thể làm tắc nghẽn động mạch dẫn đến đau tim.
Không chỉ vậy, hàm lượng muối cao (gần 0,6g natri trong 150g bì) cũng không tốt cho cơ thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ ít hơn 2g natri mỗi ngày.
Khi lượng natri quá nhiều, cơ thể sẽ giữ nước trong máu để pha loãng natri. Quá trình này làm cho thể tích máu tăng lên, gây áp lực lên mạch máu, tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu tới tim mạch.
Một số tác hại khác của dư thừa natri kéo dài là loãng xương, sỏi thận, béo phì, bệnh dạ dày, đường tiêu hóa.
Bác sĩ Thìn cũng cho biết thêm, trước đây, những người làm nghề mổ lợn thường đun nước nóng để cạo lông lợn, còn hiện nay, các lò giết mổ lợn thường cạo sống.
Chân của lông lợn vẫn còn ở lại bì, lông này rất cứng, khi ăn vào ruột sẽ cắm vào màng nhầy (nơi tiết ra men để tiêu hoá thức ăn) ở ruột non và dạ dày có thể gây tổn thương màng ruột, dạ dày.
Do vậy nhiều bà nội trợ thường bỏ bì và họ chỉ sử dụng để chế biến thành các món như món cơm tấm bì hoặc để nấu món thịt đông, nem bì… nhưng phải chọn bì đã sạch lông.
Nhiều người kinh doanh sử dụng các hóa chất độc hại để tẩy trắng bì lợn làm món nem gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, chỉ ăn miếng bì đã sạch lông, không mua nem bì ở nơi không rõ nguồn gốc.
Trên đây là những lí do bì lợn tuy có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt nhưng không nên ăn nhiều. Hãy ăn bì lợn ở mức vừa đủ để tốt cho sức khoẻ nhé.