Elaine Ostrander, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Gene người có trụ sở ở Mỹ, tác giả nghiên cứu, đặt câu hỏi: “Làm cách nào mà những con chó này có thể sống sót trong môi trường phóng xạ trong 15 thế hệ?”
Đồng tác giả Tim Mousseau, giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Nam Carolina, cho biết các sinh vật sống ở vùng thảm họa Chernobyl "cung cấp một công cụ đáng kinh ngạc để xem xét tác động của phóng xạ đối với động vật có vú”.
Các nhà khoa học cho biết hầu hết những con chó mà họ đang nghiên cứu dường như là hậu duệ của những thú cưng mà cư dân buộc phải bỏ lại khi sơ tán.
Những con chó này dù sống hoang dã nhưng rất thân thiện với các nhà nghiên cứu.
Thông qua các xét nghiệm DNA, nhóm nghiên cứu xác định những con chó sống ở những khu vực có mức độ phơi nhiễm phóng xạ cao, thấp và trung bình.
“Đó là một cột mốc quan trọng đối với chúng tôi”, nhà nghiên cứu Ostrander nói. "Chúng tôi thậm chí có thể xác định được những con chó nào có liên hệ với nhau về mặt ADN".
Các nhà nghiên cứu hiện đang đánh giá xem những con chó này có ADN khác biệt ra sao khi bị phóng xạ tác động. Nhóm nghiên cứu làm việc ở khu vực cách thủ đô Kiev khoảng 96km và không nhận thấy dấu hiệu chiến sự.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho một con chó là Prancer, vì nó luôn tỏ ra phấn khích khi tiếp xúc với con người. “Mặc dù chúng là chó hoang, nhưng có phản ứng tích cực khi tương tác với con người, đặc biệt là khi chúng tôi đem tới cho chúng thức ăn”, nhà nghiên cứu Mousseau nói.
Thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986. Một vụ nổ và cháy xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân khiến phóng xạ phán tán ra môi trường. 30 công nhân thiệt mạng trong thảm họa và số người bị ngộ độc phóng xạ ước tính lên tới hàng ngàn người.