Chủ động nguồn lực
- Nguồn lực là yêu cầu khó để hiện thực hóa những mong muốn, nhất là với vấn đề liên quan đến khoa học. ĐHQG Hà Nội đã làm gì để thực hiện việc này?
- Chúng tôi thiết lập mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu đối tác ở trong nước, đặc biệt các đơn vị thuộc ĐHQGHN, ký kết các thỏa thuận hợp tác để giới thiệu, cung cấp nguồn mầm ươm khoa học trẻ và cùng phối hợp thực hiện các chương trình ươm tạo, tiếp nhận các sản phẩm của chương trình ươm tạo để đào tạo ở bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ. Đồng thời ĐHQGHN thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo, nghiên cứu đối tác ở nước ngoài, ký kết thỏa thuận cùng phối hợp thực hiện các chương trình ươm tạo; tiếp nhận sản phẩm của chương trình ươm tạo để đào tạo ở bậc tiến sĩ, sau tiến sĩ.
Ngoài ra, ĐHQGHN sẽ xây dựng, thực hiện các gói chính sách hỗ trợ tài chính, bảo trợ khoa học đối với đối tượng tham gia chương trình ươm tạo, đảm bảo các đối tượng tham gia có cơ hội tiếp cận, được hưởng chương trình học bổng của đơn vị đào tạo, Chính phủ hoặc của nước ngoài trong quá trình nghiên cứu, đào tạo tiếp theo; có được sự bảo trợ khoa học từ nhà khoa học có uy tín, cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong hay ngoài nước để có thể thực hiện các chương trình đào tạo, nghiên cứu tiếp theo.
Đặc biệt, ĐHQGHN đầu tư cho các hướng, sản phẩm nghiên cứu tiềm năng của cá nhân tham gia đề án theo mô hình: SBIR (Small Business Innovation Research) và STTR (Small Business Technology Tranfer). Cụ thể: Đầu tư phát triển ý tưởng thành sản phẩm mẫu (pilot); tài trợ dự án nghiên cứu cho nhà khoa học để hoàn thiện sản phẩm cho doanh nghiệp (đối ứng); kết nối doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường và thương mại hóa.
- PGS kỳ vọng gì vào kết quả của Đề án?
- Những kết quả mà Đề án hướng tới thu được sẽ tạo ra sự đột phá trong chất lượng đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN và cung cấp nguồn nhân lực khoa học trẻ cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế khoa học và uy tín của ĐHQGHN.
Ươm tạo nhà khoa học trẻ, phát huy nội lực tạo sức bật cho phát triển, chúng tôi đưa ra đích để đến cuối năm 2025, Đề án sẽ đạt được:
Đối với Chương trình Tìm kiếm, phát hiện, ươm mầm tài năng khoa học sẽ tổ chức được 5 cuộc thi cấp ĐQHGHN thường niên cho học sinh THPT; tổ chức 5 khóa học khoa học mùa hè cho học sinh THPT, thu hút từ 300-500 học sinh tham gia; bồi dưỡng và thu hút được 65 học sinh chuyên của các tỉnh đăng ký học tập tại ĐHQGHN cùng một số học sinh đạt giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế.
Đối với Chương trình ươm tạo nhà khoa học sẽ cấp học bổng cho 140 sinh viên, 90 học viên và 150 nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau tiến sĩ; số ấn phẩm thuộc ISI, Scopus là 380 công bố; các module đào tạo tiền tiến sĩ và hậu tiến sĩ được triển khai tốt, học viên tham gia khóa đào tạo đều có sản phẩm khoa học; 40 giảng viên, sinh viên ĐHQGHN được cử tham gia chương trình trao đổi ngắn hạn ở nước ngoài.
Trong phát triển nhà khoa học, các cá nhân tham gia Đề án đề xuất thành công 5-10 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp ĐHQGHN và tương đương trở lên; từ 5 – 7 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có sản phẩm tiềm năng được doanh nghiệp tài trợ và có khả năng thương mại hóa.