Song song với mở ngành mới, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề còn lồng ghép trong các học phần đào tạo kiến thức về tin học ứng dụng và kỹ thuật số; Tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thích nghi với thay đổi cho sinh viên; quan tâm hỗ trợ giảng viên thay đổi tư duy, cách thực thi, áp dụng các triết lý giáo dục khai phóng để đào tạo người học; Tăng cường hỗ trợ các trường phổ thông về kỹ năng số, giáo dục STEM, AI…
Mặc dù đạt được những thành quả bước đầu nhưng số lượng và chất lượng nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số hiện vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là do hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ về cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật, tài chính, mà còn cả vấn đề nhận thức, quản lý… Trong đó, những khó khăn về nguồn lực tài chính, nhân sự để nâng cao chất lượng đào tạo rất phổ biến trong điều kiện ngân sách Nhà nước eo hẹp, cơ sở đào tạo phải tự chủ. Đơn cử như để đào tạo tốt về AI, rất cần cơ sở dữ liệu lớn và thường xuyên cập nhật. Về mặt này năng lực tài chính, nhân sự của các cơ sở đào tạo khó xoay nổi, nếu như không có doanh nghiệp chịu hợp tác.
Vì thế, để có được nguồn nhân lực bảo đảm phát triển kinh tế số, bên cạnh vai trò của cơ quan Nhà nước, sự chủ động, nỗ lực của hệ thống giáo dục và đào tạo nghề, rất cần đẩy mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.
“Chúng ta phải có thế hệ mới về đào tạo và vấn đề này không chỉ là việc của Chính phủ, Bộ GD&ĐT mà phải có sự tham gia của cả xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ” – ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom từng nhấn mạnh trong một hội thảo. Sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò của người sử dụng lao động trong đào tạo không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, nhà trường về đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, mà còn giúp định hướng, đào tạo những lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là đáp ứng những yêu cầu về thay đổi của nền kinh tế số.