Trao đổi giữa PV Báo Người Lao Động với luật sư Phan Hòa Nhựt, Giám đốc Công ty Luật TNHH The Law.
*Phóng viên: Dù không chỉ đích danh là ai nhưng cư dân mạng cũng chỉ ra một số nhân vật. Liệu "nói xéo" kiểu như trên có xử lý được không? Nếu có xử lý thế nào?
- Luật sư Phan Hòa Nhựt: Theo cá nhân tôi, nội dung các livestream dù không có nhắc đích danh nghệ sĩ là ai nhưng cách nói xéo, thậm chí dùng các biệt danh để nói nhưng người dùng mạng xã hội ai cũng có thể hiểu là Nam Em đang nói đến người nào.
Dù không chỉ đích danh nhưng vẫn có thể xử lý được. Bởi theo quy định tại Điểm A, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc truyền phát những thông tin sai sự thật, bôi xấu, vu khống, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân khác thì có thể bị xử phạt. Trường hợp này còn gây dư luận xấu nên có thể dựa trên những quy định đó để xử phạt, với mức tiền là từ 5 - 10 triệu đồng.
*Trường hợp bị hại chứng minh được ngữ cảnh có nhắc đến họ thì có khởi kiện được không?
- Phải khẳng định, quyền khởi kiện là quyền của công dân, tức là họ cảm thấy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, chạm đến giá trị bản thân họ thì có thể khởi kiện.
Khi khởi kiện, theo quy định của tố tụng dân sự thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khởi kiện, tức là phải cho tòa án thấy rằng livestream đó đã đụng chạm bản thân.
Ví dụ Nam Em dùng các biệt danh trong livestream đã chạm tới người đó; vào trang của người được nhắc đến để bình luận thì đó là những chứng cứ đó được đem ra chứng minh.
Việc chứng minh cho một vụ kiện không hề đơn giản nhưng hoàn toàn có thể thực hiện và thực tế có nhiều vụ kiện bị hại được tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi danh dự và nhân phẩm họ bị xúc phạm.