Phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ: Kiên trì mục tiêu chất lượng

18/04/2023, 18:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong 10 năm qua việc tiếp cận và đảm bảo công bằng giáo dục của khu vực Đông Nam Bộ rất tốt. Hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết các địa bàn

Phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ: Kiên trì mục tiêu chất lượng - Ảnh 1.

Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 18/4, Hội nghịphát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã diễn ra tại Bình Dương.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; cùng lãnh đạo các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Có sự đầu tư nguồn lực giáo dục rất lớn

Báo cáo tình hình phát triển giáo dục khu vực Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trong 10 năm qua việc tiếp cận và đảm bảo công bằng giáo dục của khu vực rất tốt. Hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết các địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã đều có trường mầm non và tiểu học.

Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở (THCS), các huyện đều có trường trung học phổ thông (THPT).

Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã.

Tính tới năm học 2020-2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 1.007 cơ sở so với năm học 2010-2011), trong đó, bậc mầm non tăng hơn 1.000 trường.

Tỷ lệ lớp, trường các cấp học trong khu vực Đông Nam Bộ đều đứng thứ nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội và cao hơn so với bình quân cả nước.

Có được những điều đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc là do toàn vùng đã có sự đầu tư nguồn lực rất lớn.

Tổng số vốn đầu tư công được phân bổ cho phát triển giáo dục trong vùng Đông Nam Bộ đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT trong giai đoạn 2010-2020 là hơn 4.512,803 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước 1.264,206 tỷ đồng, vốn nước ngoài 3.248,597 tỷ đồng) tương đương 29% tổng vốn phân bổ...

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục và tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy phát triển giáo dục.

Tồn tại lớn nhất là việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh.

Đặc biệt, còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, manh mún, thiếu ổn định, cơ sở vật chất thiết bị còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật đi học đúng độ tuổi còn thấp so với 6 vùng kinh tế - xã hội.

Kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa theo kịp sự phát triển của vùng. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất cả nước. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.

Ghi nhận những cố gắng của vùng Đông Nam Bộ trong phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2022, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng nếu nhìn sâu vào các chỉ số, vùng Đông Nam Bộ cũng có không ít khó khăn và thách thức.

Tỉ lệ trường chuẩn của khu vực là thấp nhất cả nước, nhất là GD Mầm non (MN) có nhiều khó khăn và có nhiều chỉ số thấp hơn so với các khu vực khác, cũng như so với vị trí và tầm quan trọng của khu vực. Hiện vùng chỉ có 23% trường MN đạt chuẩn là khá thấp.

Nguyên nhân là do dân số gia tăng cơ học quá nhanh đã kéo giảm các nỗ lực của toàn vùng. Đây rõ ràng là một thách thức rất lớn mà toàn vùng cần phải tháo gỡ.

Về đào tạo nhân lực, hiện vùng có 35 trường công lập đủ và đảm bảo được việc cung ứng nguồn nhân lực cho toàn vùng.

Tuy vậy, theo ông Vinh để có nguồn nhân lực chất lượng cao và tốt, gia nhập được thị trường lao động khu vực ASEAN, thì các bộ ngành, Chính phủ cần sớm tháo gỡ và sớm ban hành các đề án trọng điểm của ĐHQG TPHCM trong việc xây dựng và phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng mũi nhọn cho vùng trong tương lai.

Kiên trì mục tiêu chất lượng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn 2045, giáo dục vùng sẽ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Đến năm 2025, đạt huy động ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên.

Đến năm 2030, huy động được 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường.

Về giáo viên, phấn đấu đến năm 2030, đủ số lượng theo quy định, 100% giáo viên đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.

Phấn đấu đến 2030 có ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 65%, THCS khoảng 76% và THPT khoảng 60%; giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi đến lãnh đạo các tỉnh/thành Đông Nam Bộ lời cảm ơn khi trong suốt thời gian qua đã ủng hộ cho ngành giáo dục, đã không ngừng có những chính sách để đổi mới giáo dục, đặc biệt đã cùng ngành giáo dục thực hiện nhiều chính sách, cố gắng tuyệt vời trong công tác chống dịch COVID-19 và duy trì việc học, kiên trì mục tiêu chất lượng.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ: Kiên trì mục tiêu chất lượng