Phát triển giáo dục mầm non vùng khó: Đòn bẩy từ chính sách

25/06/2022, 22:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Quan tâm phát triển giáo dục vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và tập trung nguồn lực cho khu vực này.

Phát triển giáo dục mầm non vùng khó: Đòn bẩy từ chính sách ảnh 3

Là tỉnh miền núi có địa hình địa lý phức tạp, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tính đến tháng 5/2022, Yên Bái có 100 cơ sở giáo dục mầm non nằm trong khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn với 1.066 nhóm, lớp. Tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 16%; mẫu giáo đạt 89%; 100% trẻ em mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành.

Các chính sách cho trẻ em và giáo viên được tỉnh Yên Bái ban hành giai đoạn vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp. Đời sống của đội ngũ nhà giáo vùng khó khăn được quan tâm để giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Yên Bái còn gặp nhiều trở ngại như: Cơ sở vật chất trang thiết bị tối thiểu, tài liệu, học liệu đồ dùng, đồ chơi tại các cơ sở giáo dục mầm non còn thiếu thốn; phòng học, phòng chức năng, hệ thống công trình phụ trợ chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ thuộc vùng khó khăn còn chênh lệch so với vùng thuận lợi. Đội ngũ giáo viên thiếu so với định mức quy định, giáo viên bổ sung chưa đáp ứng quy mô phát triển; chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc tạo nên khó khăn chung. Chế độ chính sách mới chỉ quan tâm đến trẻ mẫu giáo, trẻ nhà trẻ đến trường không được hưởng chính sách mặc dù cùng đối tượng dẫn đến mất cân bằng trong giáo dục.

Để tiếp tục phát triển giáo dục mầm non vùng khó, Nhà nước cần đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi tối thiểu cho các trường mầm non, đảm bảo điều kiện phục vụ dạy học theo danh mục thông tư quy định.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng khó khăn để thu hút, đảm bảo đời sống và yên tâm công tác, gắn bó với vùng cao. Nhà nước có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ nhà trẻ ở các xã, bản đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, lớp.

TS Trần Thị Hoàng Yến, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh:

Chương trình đào tạo giáo viên mầm non cần bám sát thực tế

Phát triển giáo dục mầm non vùng khó: Đòn bẩy từ chính sách ảnh 4

Công tác tại vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi phải dạy lớp ghép đa dân tộc với nhiều độ tuổi khác nhau, trong khi số lượng giáo viên biết tiếng mẹ đẻ của trẻ còn ít.

Mỗi giáo viên người dân tộc thiểu số hoặc giáo viên đã được bồi dưỡng tiếng dân tộc cũng chỉ biết thêm từ 1 đến 2 ngôn ngữ nhưng việc sử dụng còn hạn chế. Ngoài ra, trong một lớp học có nhiều dân tộc khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chương trình giáo dục mầm non quy định chế độ sinh hoạt cho trẻ mầm non là 10 giờ/ngày. Ở các vùng núi cao, điểm bản, cha mẹ trẻ thường đi làm sớm, về muộn nên giáo viên phải thực hiện chế độ làm việc vượt quá so với Thông tư số 48/TT-BGDĐT. Dù đã được Chính phủ bổ sung biên chế cho vùng khó khăn, tuy nhiên đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng.

Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non chưa sát thực tế, còn chậm đổi mới. Trong khi đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên mầm non được xác định là vấn đề then chốt, quan trọng của các cơ sở đào tạo, rất cần tiếng nói chung của các bên.

Tôi cho rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần chủ động nghiên cứu và đề xuất thực hiện các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng bám sát thực tiễn, phù hợp với vùng miền, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, cần lưu tâm đến yếu tố tiếng dân tộc và tiếng Việt của trẻ vì đây là chìa khóa để trẻ tiếp thu kiến thức.

Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực giáo dục mầm non cho vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó khuyến nghị xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp khung năng lực và chuẩn đầu ra.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-giao-duc-mam-non-vung-kho-don-bay-tu-chinh-sach-post514242.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-giao-duc-mam-non-vung-kho-don-bay-tu-chinh-sach-post514242.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển giáo dục mầm non vùng khó: Đòn bẩy từ chính sách