Phát triển khả năng vận động cho trẻ qua các trò chơi

11/01/2024, 17:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Qua những trò chơi vận động, dưới sự hướng dẫn của cô giáo và phối hợp của phụ huynh, trẻ được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Với lứa tuổi mầm non, vận động thể chất là yếu tố rất quan trọng để trẻ phát triển toàn diện. Dù ở nhà hay đến trường, trẻ cũng cần được tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp với từng đối tượng.

Cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, qua các bài học vận động kết hợp vui chơi, trẻ rèn luyện được sức bền, cơ thể linh hoạt và nhanh nhẹn hơn. Bé sẽ tận dụng được năng lực của bản thân, tạo thói quen tốt từ sớm.

Phụ huynh cùng tham gia vận động thể chất với con tại Trường Mầm non An Khánh B.
Phụ huynh cùng tham gia vận động thể chất với con tại Trường Mầm non An Khánh B.

Hơn thế, các hoạt động phát triển thể chất còn giúp trẻ thư giãn tinh thần, tạo hứng thú hơn trong học tập. Trí não trẻ sẽ trở nên minh mẫn để tiếp thu tri thức một cách hiệu quả nhất. Nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động thể dục buổi sáng cho trẻ vào mỗi sáng, nếu trời mưa hoặc rét sẽ tập tại lớp.

Trẻ hào hứng với nhiều trò chơi dân gian kết hợp vận động tại sân trường.
Trẻ hào hứng với nhiều trò chơi dân gian kết hợp vận động tại sân trường.

"Tại hội thi 'Chúng cháu vui khỏe' được tổ chức vào tháng 12/2023, nhà trường đã xây dựng kịch bản và cho học sinh các lớp tham gia nhiều trò chơi vận động thể chất. Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng đồng hành với trẻ trong các trò chơi để tạo sự gắn kết, trẻ rất hào hứng và thích thú", cô Bùi Thị Vân thông tin.

Tương tự, cô Vũ Thị An - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, trẻ có xu hướng thích sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, xem ti vi hơn là vận động; cộng thêm việc một số phụ huynh thường làm thay con đã vô tình làm mất cơ hội vận động của trẻ. Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng.

Cô trò cùng vận động với lốp xe.
Cô trò cùng vận động với lốp xe.

Từ đó, cô An đã hướng dẫn giáo viên trường mình nghiên cứu kỹ chương trình, bám sát mục tiêu theo từng độ tuổi để từ đó giáo viên chủ động xây dựng chương trình; tự tin, sáng tạo các vận động hấp dẫn trẻ. Nhờ đó, trẻ vô cùng thích thú khi tham gia những bài tập này.

Trong đó có nhiều hoạt động như: Đánh bóng vào gôn, lật bánh xe, lăn người chuyển bóng, bật chuyển hướng theo chiều mũi tên. Cũng là vận động bật nhưng thay đổi cách bật và cách phối hợp khác nhau như: Bật chuyển vòng, bật sang ngang chuyển bóng với bạn, bật di chuyển qua vật cản, bật phối hợp...

Trẻ tập dùng gậy di chuyển bóng theo đường đi riêng đã sắp sẵn.
Trẻ tập dùng gậy di chuyển bóng theo đường đi riêng đã sắp sẵn.

Giáo viên sẽ nâng dần độ khó các bài tập theo thời gian để khuyến khích trẻ luôn cố gắng chinh phục thử thách. Đều là vận động đi nhưng có cả đi thường - đi mang vật - đi kết hợp đôi bạn - đi kết hợp chuyển vật. Cô An luôn khuyến khích giáo viên thay đổi hình thức tổ chức để mang lại cho trẻ sự mới lạ, hấp dẫn khi tham gia vận động.

"Chúng tôi khai thác tối đa hiệu quả dụng cụ thể chất. Cùng là gậy nhưng thực hiện ở nhiều vận động khác nhau: Gậy chuyển bóng, gậy chuyển vòng, vượt qua chướng ngại vật. Ngoài ra, chúng tôi tận dụng các nguyên liệu tái chế để làm các dụng cụ thể chất cho trẻ. Tạo cơ hội để trẻ thực hiện vận động ở mọi lúc, mọi nơi" - cô An nhấn mạnh.

Cũng theo cô An, nhà trường cần hướng dẫn phụ huynh cho trẻ ôn luyện thêm bài tập thể dục trên lớp. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ làm việc vừa sức, tự mang vác đồ dùng cá nhân; tăng cường hoạt động ngoài trời hoặc đi dã ngoại thay vì ngồi xem tivi, điện thoại thông minh. Việc này giúp trẻ tăng cường sức khỏe thể chất, tăng gắn kết gia đình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển khả năng vận động cho trẻ qua các trò chơi